Bài 2: Giải phóng nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án “treo”

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, thời gian qua các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất trong cả nước đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Song để sớm đưa đất đai vào sử dụng, khai thác hiệu quả, tránh tình trạng “ôm đất”, tích trữ gây lãng phí, vi phạm đất đai, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương khơi thông nguồn lực dự án “treo”, nhất là cần sớm tháo gỡ vướng mắc chính sách đất đai từ thực tiễn.

Sau khi được chuyển giao từ dự án xây dựng Trung tâm thương mại Ocean Bank, Công viên hoa Hạ Long do Tập đoàn Vingroup đầu tư được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Sau khi được chuyển giao từ dự án xây dựng Trung tâm thương mại Ocean Bank, Công viên hoa Hạ Long do Tập đoàn Vingroup đầu tư được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Khơi thông nguồn lực dự án “treo”

Nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất đai, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo quyết liệt đối với công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật nói riêng và công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận lãnh đạo, chỉ đạo rõ về các nhiệm vụ, giải pháp gắn với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân và kiên quyết xử lý nếu để xảy ra tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thu hồi, hủy bỏ hơn 110 dự án chậm tiến độ, quá thời hạn nghiên cứu, không phù hợp quy hoạch lớp trên, trong đó, đã thực hiện thu hồi, chấm dứt, hủy bỏ 13 dự án do Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên triển khai nghiên cứu, thực hiện trên địa bàn tỉnh...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thành phố đã thành lập các tổ công tác do các phòng, ban chức năng làm tổ trưởng trực tiếp làm việc với nhà đầu tư tại các dự án để rà soát, lập biên bản, xác định nguyên nhân chậm tiến độ, đề ra giải pháp khắc phục và phải cam kết từng nội dung, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét gia hạn hoặc xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật.

Điểm mới mà thành phố Hạ Long đưa ra các giải pháp đối với các dự án chậm tiến độ, không còn phù hợp định hướng quy hoạch chung, định hướng phát triển kinh tế-xã hội hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, thành phố tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các dự án này. Đồng thời phối hợp các sở, ngành chức năng xác định giá trị tài sản đã đầu tư trên đất và quản lý chặt chẽ quỹ đất sau thu hồi và tổ chức lập quy hoạch làm cơ sở để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án, bảo đảm quy định pháp luật hiện hành.

Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tại khu Trung tâm cột đồng hồ (thuộc phường Bạch Đằng) có diện tích 1,6ha do quá thời gian nghiên cứu, nhà đầu tư không triển khai các bước tiếp theo, thành phố đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi và lựa chọn nhà đầu tư mới là Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và công viên tại khu vực này, đến nay dự án đã thực hiện xong và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả an sinh xã hội...

Có thể khẳng định, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, không còn phù hợp định hướng phát triển mới của tỉnh nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, thất thoát ngân sách, tài sản công.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh kiên quyết xử lý, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong quản lý đất đai, nhất là về các quy hoạch “treo”, dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, bảo đảm giữ vững sự ổn định để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Đồng thời làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân của từng dự án để xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.

Tỉnh Quảng Nam được xem là địa phương ở miền trung quyết liệt trong công tác xử lý đối với các dự án chậm triển khai. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp Thỏa thuận nghiên cứu đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, ký Bản cam kết thực hiện dự án để chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết; chủ trì rà soát, tham mưu xử lý đối với các dự án chậm triển khai...

Không những vậy, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều kênh tương tác giữa chính quyền với các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như trực tuyến qua cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, qua đường dây nóng Tổng đài 1022, hoặc ứng dụng Smart Quảng Nam... để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Tỉnh xác định việc rà soát, xử lý thu hồi, chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư là việc làm thường xuyên và cần thiết để sàng lọc nhà đầu tư, nhất là loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, công bằng, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

“Quảng Nam luôn công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần khơi thông nguồn lực quan trọng đóng góp vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Quảng Nam”, đồng chí Lê Trí Thanh khẳng định.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao công tác giám sát, đánh giá đầu tư; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố và kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả sử dụng đất nhằm tạo môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Trong quý II năm 2022 các cấp, ngành tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ. Đến hết quý IV năm 2022, xử lý nghiêm các dự án chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm; đồng thời tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, phân loại và đề xuất những biện pháp xử lý cụ thể, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dứt điểm dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Thanh tra, rà soát và hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai

Báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vào chiều 23/5/2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nêu rõ, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép... chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Gia đình chị Trần Thị Hường chuyển về sinh sống hơn 20 năm nay ở tổ 19A, khu phố An Hòa, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo chị Hường, khu vực này trước đây được quy hoạch làm công viên cây xanh, sau đó chuyển sang khu dân cư tự cải tạo. Một thời gian sau, chúng tôi được mời lên họp để thỏa thuận vấn đề bồi thường, tái định cư để xây dựng dự án khu dân cư... Gần đây lại được thông báo đất làm dự án cơ sở giáo dục.

Quả thật, trong mười năm qua, người dân nơi đây gặp rất nhiều bất tiện, đường giao thông xuống cấp, nhà cửa hư hỏng muốn sửa hoặc xây mới cũng không được, vì nằm trong quy hoạch thực hiện dự án. “Tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng giám sát tiến độ, kiên quyết thu hồi các dự án “treo”, không để tình trạng nhùng nhằng như thời gian qua, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khốn khổ”, chị Hường kiến nghị.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương một số nội dung: Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng... Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hằng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế, việc thu hồi những dự án “treo”, quy hoạch “treo” không dễ dàng, bởi để thu hồi được những dự án này thì cần căn cứ vào các luật khác nhau. Trong khi đó, cũng cần xét tới các yếu tố như nguồn lực, cách thức tổ chức, sự quyết liệt của hệ thống chính trị... Tuy nhiên, việc thu hồi quy hoạch “treo”, dự án “treo” cần có những biện pháp, chế tài hợp lý, cần nghiêm khắc, nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng.

Đối với các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xóa quy hoạch “treo” bằng cách ra quyết định thu hồi đối với chủ đầu tư không có khả năng thực hiện để giao lại đất cho tổ chức, cá nhân khác có năng lực thực hiện dự án...

Để loại bỏ những dự án “treo”, vi phạm Luật Đất đai, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nên nghiên cứu sử dụng công cụ thuế, thu thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo”.

Cách làm này vừa bổ sung nguồn thu ngân sách, vừa tạo áp lực để chủ đầu tư có hướng xử lý phù hợp, có thể chuyển nhượng dự án cho người khác, hoặc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu, thường xuyên cập nhật, công bố danh sách các chủ đầu tư của các dự án “treo”; có chế tài cụ thể, thậm chí cấm những chủ đầu tư này tham gia các dự án mới.

Cùng với đó, về lâu dài, cần bám sát thực tiễn đời sống xã hội, nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời với sửa đổi các quy định liên quan của luật khác về một số lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, thanh tra... để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và khắc phục những bất cập trong cơ chế quản lý.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo, năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng nghìn héc-ta đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. “Đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Kết quả xử lý vi phạm tại 38/48 tỉnh, thành phố, có báo cáo, cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9ha. Trong đó, thu hồi đất của 309 dự án với diện tích 9.033,5ha, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án với diện tích 798,5ha. Ngoài ra, còn hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án với diện tích 5.387,8ha, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án với tổng diện tích 7.488ha...

Bài 1: Chậm xử lý các dự án “treo”