Lao động là vinh quang (Tiếp theo) (*)

Bài 2: Kỹ sư chân đất tạo ra gạo ngon nhất thế giới

Từ Hà Nội, vượt gần hai nghìn cây số, rồi băng qua mấy chục cây cầu nối Cần Thơ, qua địa phận tỉnh Hậu Giang theo hướng quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến mảnh đất Sóc Trăng, nơi có người đàn ông và các cộng sự vừa cho ra đời thương hiệu gạo Việt Nam ngon nhất thế giới. 6 giờ, thành phố đã sáng bừng ngày mới. Chở tôi trên chiếc xe Dream cũ mèm giản dị, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua nhớ lại chặng đường gần 30 năm cùng các cộng sự chọn lọc, lai tạo, nghiên cứu lúa thơm để có được hạt thóc vàng hôm nay.

Ông Hồ Quang Cua cùng cộng sự kiểm tra các giống lúa được lai ghép tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống lúa Hồ Quang.
Ông Hồ Quang Cua cùng cộng sự kiểm tra các giống lúa được lai ghép tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống lúa Hồ Quang.

Đôi bàn tay xoay chuyển quy luật tự nhiên

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở ấp Giầy Lăng, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu (nay là phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), cha mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi bảy anh em Anh hùng Hồ Quang Cua khôn lớn, thành người. Từ bé đã gắn cuộc sống với ruộng đồng, nghe mẹ kể rằng đồng đất Giầy Lăng khi xưa nước mặn thường phá vỡ đê đất cho nên cấy lúa có khi phải hai, ba lần mới xong mà năng suất lại rất thấp. Chàng trai Quang Cua hồi ấy quyết định chọn theo học tại Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ để quyết tâm thay đổi mảnh đất trồng lúa quê mình. Tốt nghiệp ra trường, kỹ sư Hồ Quang Cua luôn tìm tòi, nghiên cứu về các giống lúa. Ông luôn đau đáu câu hỏi: Tại sao giống lúa thơm Khao Dawk Mali 105 có thể làm rạng danh Thái-lan, trong khi gạo Việt Nam ngon thế, mùi thơm dứa của gạo miền tây, mùi thơm cốm của gạo tám miền bắc khác biệt như vậy lại không thể lai tạo để được công nhận? Và kỹ sư Hồ Quang Cua cứ miệt mài suy nghĩ, nghiên cứu để cố gắng tìm câu trả lời. 

Có thói quen tìm tòi, quan sát, nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho ngành trồng lúa, kỹ sư Quang Cua thường đi bộ về các xã vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu hiện trạng nghề trồng lúa của từng địa phương. Tích lũy kinh nghiệm lâu năm từ những chuyến điền dã của một cán bộ nông nghiệp huyện, ông Cua dần hình thành ý niệm: Cần chất lượng hơn là số lượng, bởi có xuất khẩu nhiều gạo ngon nhưng không được tính là ngon nhất, chất lượng nhất thì thu nhập của người nông dân sẽ vẫn không cao. Một sáng cuối năm 1996 là dấu mốc thời gian không thể quên với kỹ sư Cua khi ông phát hiện ra những cá thể VD20 đột biến tự nhiên đầu tiên. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. “Có khoảng hơn một nghìn cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất”, kỹ sư Cua cho biết.

Sở hữu nhiều giống lúa ngon từ rất lâu rồi, nhưng chỉ đến khi ST25 trở thành gạo ngon nhất thế giới thì mọi người mới biết nhiều về kỹ sư Hồ Quang Cua. Ông tự hào chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có mình tôi đơn độc trong việc chọn giống và đặt tên. Đến ST3 (năm 2000) có sự tham gia cùng thực hiện của ThS Ông Tài Thuận, ThS Nguyễn Thị Thu Hương, sau này có thêm TS Trần Tấn Phương (từ năm 2002) và hàng chục anh em thầm lặng khác. Đó là những cộng sự rất giỏi đã cùng tôi nghiên cứu ra các giống lúa, cho ra đời những thương hiệu gạo ngon nhất”.

Không dừng lại ở những thành công ấy, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự còn sở hữu nhiều giống lúa ngon: Năm 2014 với ba giống lúa: ST5, ST20, ST Đỏ; giống lúa ST24 lọt vào tốp 3 gạo ngon nhất thế giới tại Ma Cao (Trung Quốc); và cuối năm 2019 có được thành tựu lớn lao: Giống ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Phi-li-pin. 

Thách thức không dễ vượt qua

Trong các giống lúa nổi bật ST của kỹ sư Quang Cua và các cộng sự, ông luôn dùng cụm từ “thành tựu mang tính phủ định”, nghĩa là giống gạo sau luôn ngon hơn giống trước. Chính vì vậy, chạy đua theo thị trường là việc nhỏ, để làm tốt hơn những thành quả mình từng đạt được mới là thách thức khiến ông Cua vẫn đang tiếp tục ngày đêm nghiên cứu và lai tạo.
 
Gạo ST25 được kỹ sư và công ty của ông cho ra thị trường trước khi đoạt giải gần hai năm dưới hình thức bán lẻ không thương hiệu. Chỉ sau khi đoạt giải quốc tế, đầu năm 2020 mới bắt đầu bán dưới dạng có thương hiệu. Gạo là loại thực phẩm khô, khó nhiễm khuẩn cho nên việc đóng túi cũng đơn giản, không có quy định cách thức từ cơ quan chức năng. Khác với các loại gạo bán ngoài thị trường vẫn là gạo để thô hoặc bao bì đơn giản, gạo ST25 đã được đóng túi và có thương hiệu. Tuy nhiên, vấn đề là hàng giả gạo ST25 vẫn tràn lan trên thị trường. Họ lấy nhóm gạo ST đóng bao bì ST25 và bán cho người tiêu dùng. Người làm hàng giả chỉ việc mua túi có in sẵn bao bì ST25, về đóng gạo vào và bán. 

“Trong giai đoạn đầu năm 2020, khi sản lượng gạo ST25 còn ít, chúng tôi chỉ ưu tiên phân phối cho các doanh nghiệp đã đồng hành lâu năm cùng doanh nghiệp mình. Đến nay đã qua vụ đông xuân, lúa ST24 và ST25 đã có khá nhiều, việc đáp ứng nhu cầu thị trường đã tốt hơn, không còn việc hiếm hàng. Hy vọng sẽ bớt đi gạo ST25 giả trên thị trường”, kỹ sư Cua nói về tình trạng gạo giả vẫn đang bán tràn lan trên thị trường, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Khi giống lúa ST25 được lai tạo nhiều, giảm độ thuần thì sẽ bị thay đổi phẩm chất, đó là điều kỹ sư Cua và các cộng sự lo lắng nhất. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp Việt Nam còn tự cạnh tranh nhau và phá giá khiến nông dân chịu thiệt thòi.

Đặt lợi ích của người lao động lên trên hết

Mỗi vùng đất trồng lúa thường cho kết quả khác nhau, nhưng ST24 và ST25 là hai giống lúa cho năng suất rất cao, nằm trong tốp cao nhất. Trong suốt quá trình nghiên cứu, kỹ sư Cua và cộng sự đều cho ra những cải tiến đáng kể về chu kỳ sinh trưởng và đặc tính ưa thích của người tiêu dùng về phẩm chất gạo. Mỗi loại gạo đều có tỷ lệ nước/gạo (tính theo khối lượng) phù hợp khi nấu để có cơm ngon nhất. Theo khuyến cáo từ kỹ sư Cua: Gạo ST24 mới có tỷ lệ là 0,8/1 và ST25 là 0,9/1. Nếu nấu thừa nước sẽ không có vị ngon và khó phân biệt giống này với giống kia. 

Với tầm nhìn chiến lược, kỹ sư Hồ Quang Cua luôn suy nghĩ làm thế nào để Việt Nam xác lập vị thế vững chắc trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới. Ông cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định ngay bộ giống lúa nào xứng tầm để xây dựng thương hiệu quốc gia, xác định vùng chỉ dẫn địa lý (trồng ở đâu), kiểm soát độ thuần của gạo (mới chỉ có quy chuẩn độ thuần của giống). Có như vậy, chúng ta mới có thể tiếp tục cạnh tranh với gạo của Thái-lan hay Ấn Độ”. Trả lời câu hỏi: Tại sao cần xác định vùng chỉ dẫn địa lý?, ông Cua cho biết: Trong cùng một giống lúa, việc gieo trồng ở các khu vực khác nhau, phương thức canh tác khác nhau, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau sẽ đem lại gạo có chất lượng không giống nhau. 

Con đường lai ghép và tạo ra giống lúa thơm đã gắn bó suốt cuộc đời kỹ sư Hồ Quang Cua. Khi còn là cán bộ trẻ thì lo học hỏi, nghiên cứu; khi làm cán bộ quản lý thì tích cực tham mưu cho lãnh đạo; khi được trao chức trách điều hành thì triển khai quyết liệt; cho tới tận bây giờ khi đã nghỉ hưu, ông vẫn cặm cụi nghiên cứu tại trang trại thí nghiệm giống lúa để nếu có kết quả tốt sẽ tiếp tục đi tư vấn phát triển diện tích gieo trồng trên mọi miền đất nước.

Hơn 30 năm tuổi Đảng, đảng viên Hồ Quang Cua luôn tự nhắc nhở mình phải luôn giữ phẩm chất trong sạch để xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu, sống và làm việc đều đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu, luôn cố gắng không ngừng để có thể tạo ra những thành quả có giá trị cao, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp của đất nước. 
 
Ghi nhận những cống hiến của kỹ sư Hồ Quang Cua cho ngành nông nghiệp, cuối năm 2013 ông đã được phong tặng Anh hùng Lao động. Những người nông dân thì trìu mến phong cho ông là kỹ sư chân đất, vua gạo, anh hùng chân đất... Trong phòng truyền thống của Trại Nghiên cứu Hồ Quang, giữa rất nhiều bằng khen, giấy khen, có một bức ảnh chụp chung của nhóm nghiên cứu ra giống lúa ST gồm ba người: Kỹ sư Hồ Quang Cua, ThS Nguyễn Thị Thu Hương và TS Trần Tấn Phương với dòng ghi chú: “Ba mảnh ghép cuộc đời”. Kỹ sư Cua giải thích: Ba người gom lại thành một thùng chứa giống ST. Tôi hỏi: Thùng đó có đáy không? Ông Cua chân thành: “Thùng muốn chứa được gạo thì phải có đáy. Đáy chính là gia đình, đó là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm làm việc”. Dẫn chúng tôi đi quanh 8 ha ruộng ở trại nghiên cứu ra giống lúa ST25 ngon nhất thế giới, Anh hùng Cua cười thật tươi, so sánh tiêu chuẩn gạo ngon và tiêu chuẩn phụ nữ đẹp: Trắng, trong, dài, thơm, mềm, ngọt và cười vang khi nói với chúng tôi: ST24 hay ST25 đều xứng đáng là hoa hậu.

Khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã là một hình ảnh quen thuộc và đẹp đẽ luôn được ông Cua áp dụng trong hành trình cuộc đời mình. Ông luôn nhận phần khó, phần vất vả, cùng với các cộng sự tiếp tục nghiên cứu để có thêm những thành tựu mới góp phần khẳng định danh tiếng cho thương hiệu gạo Việt Nam. Đi giữa mầu xanh mướt mải của lúa, hương thơm chân chất của không gian đồng quê, lưng áo ai nấy đều ướt sũng mồ hôi, chân dính bùn sình, vẫn háo hức nghe Anh hùng Cua kể nhiều điều lạ lẫm và thú vị, người sinh ra ở thị thành như chúng tôi nhận thấy Việt Nam mình giỏi quá và Anh hùng Hồ Quang Cua - thật sự tuyệt vời với một khối óc và sự khiêm nhường đáng kính.

Tôi làm việc cùng anh Cua từ khi mới ra trường. Anh là người gần gũi với nông dân, nắm sát tình hình thực tế và giúp nông dân giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất. Với vai trò thủ lĩnh của nhóm nghiên cứu, anh Cua luôn tự học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, linh hoạt trong ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thường xuyên động viên đồng nghiệp học tập để nâng cao trình độ. Trong hơn 20 năm hoạt động của nhóm nghiên cứu, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để có được thành quả tự hào như ngày hôm nay. Không chỉ định hướng lai tạo và chọn giống mà chúng tôi còn phải định hướng phát triển giống lúa trong sản xuất để sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Anh Cua luôn hỗ trợ mọi việc cần thiết để chúng tôi yên tâm nghiên cứu.

Ths NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG 

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-10-2020.