Công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi

NDO -

Chiều 3/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vaccine thương mại có tên NAVET-ASFVAC do Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao Giấy chứng nhận lưu hành vaccine thương mại NAVET-ASFVAC cho đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao Giấy chứng nhận lưu hành vaccine thương mại NAVET-ASFVAC cho đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.

Tại lễ công bố, trong Báo cáo Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, theo Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông nghiệp, lương thực Liên hợp quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi được coi là mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên lợn, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100%.

Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn, thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Tháng 11/2019, ngay sau khi các nhà khoa học của Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thành công chủng virus vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử đại diện Cục Thú y sang Hoa Kỳ gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Tháng 7/2020, Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng virus vaccine Dịch tả lợn châu Phi nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L để nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã có ba doanh nghiệp tiên phong, có đủ nguồn lực, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vaccine Dịch tả lợn châu Phi bao gồm: Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC và Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco.

Tại Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, ngay sau khi tiếp nhận chủng virus vào tháng 9/2020, công ty đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Kết quả, trong điều kiện sản xuất, vaccine bảo hộ trên 80% số lợn với độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với lợn thịt từ 8 đến10 tuần tuổi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và nhiều cuộc họp, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và công ty sản xuất vaccine thú y để đánh giá các kết quả nghiên cứu, sản xuất và hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.

Tháng 5/2022, đại diện các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định những kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng vaccine Dịch tả lợn châu Phi của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco phù hợp, thống nhất với kết quả do các nhà khoa học của Hoa Kỳ thực hiện.

Trong thời gian tới, việc tổ chức giám sát, sử dụng vaccine sẽ theo 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ; giai đoạn 2 sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vaccine trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá việc nghiên cứu thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là thành tựu của ngành thú y Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý, khi thương mại hóa sản phẩm thì mục tiêu của doanh nghiệp sẽ là tối đa hóa lợi nhuận, nhưng với trách nhiệm xã hội, Bộ trưởng mong rằng, doanh nghiệp sẽ cân bằng lợi nhuận với giá thành để nông dân có thể dễ dàng tiếp cận vaccine. Từ đó giúp cho người chăn nuôi an tâm sản xuất, ngành chăn nuôi phát triển vững chắc hơn.

Về vần đề này, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper tại Việt Nam cho rằng, việc chế tạo được vaccine an toàn và hiệu quả là vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và nhân lực trong lĩnh vực này. "Việc tìm ra vaccine Dịch tả lợn châu Phi cũng là minh chứng cho thấy khi làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu to lớn. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục là đối tác trong lĩnh vực thú y cũng như các lĩnh vực khoa học khác mà cả hai bên cùng quan tâm...", Đại sứ nhấn mạnh.

Tại lễ công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao giấy phép lưu hành vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.

Dự kiến đến cuối năm 2022, Việt Nam sẽ cấp phép lưu hành thêm 2 loại vaccine khác để phục vụ cho phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.