Chuyển đổi hệ thống thực phẩm để thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh

NDO -

Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua, cùng với quy mô dân số và tỷ lệ đô thị hóa tăng theo cũng tạo ra nhiều áp lực và thách thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều áp lực hơn đối với hệ thống thực phẩm, đặt ra nhu cầu về sức khỏe tốt hơn.
Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều áp lực hơn đối với hệ thống thực phẩm, đặt ra nhu cầu về sức khỏe tốt hơn.

Tổ chức tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) vừa tổ chức tổng kết 5 năm triển khai Chương trình nghiên cứu về Nông nghiệp cho dinh dưỡng và sức khỏe (A4NH) theo hình thức trực tuyến.

Trong 5 năm triển khai Chương trình nghiên cứu về Nông nghiệp cho dinh dưỡng và sức khỏe (A4NH) đã triển khai 5 lĩnh vực nghiên cứu trên toàn cầu, 4 trong số đó đã được thực hiện tại Việt Nam. Bao gồm: Hệ thống thực phẩm cho chế độ ăn uống lành mạnh hơn; An toàn thực phẩm; Các chính sách, chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện cho nghiên cứu thông qua hành động; Cải thiện sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, A4NH đã phối hợp với các bên liên quan để tìm ra các điểm đầu vào cho quá trình chuyển đổi sang chế độ ăn uống lành mạnh, tìm hiểu hành vi của người tiêu dùng, cung cấp bằng chứng cho quá trình hoạch định chính sách, đưa các kết quả nghiên cứu sang can thiệp và tác động giúp cải thiện sức khỏe con người.

Năm 2021, Chương trình A4NH phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19. Đại dịch toàn cầu tạo ra nhiều áp lực hơn đối với hệ thống thực phẩm, đặt ra nhu cầu về sức khỏe tốt hơn và chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm có khả năng phục hồi và thích ứng tốt hơn trước các cú sốc.

Vào thời điểm bắt đầu của đại dịch, đã có những hoạt động phong tỏa, giãn cách cản trở việc cung ứng lương thực, ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế mà còn đến chế độ ăn uống, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và người nghèo ở đô thị.

Kết quả của quá trình hoạt động nhiều năm của A4NH đã đóng góp vào lộ trình chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam, trong cam kết của Việt Nam sau Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc (UNFSS).

Nghiên cứu về hệ thống thực phẩm từ nông thôn đến thành thị do A4NH hỗ trợ ở miền bắc giúp cung cấp thông tin tổng quan về những thách thức và cơ hội, hỗ trợ cho quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch kinh tế-xã hội sau Hội nghị thượng đỉnh UNFSS.

Trong thời gian tới, các sáng kiến của One CGIAR về Một sức khỏe (One Health) và và sáng kiến “Chế độ ăn uống lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm” (SHiFT) sẽ xác định việc lồng ghép các chế độ ăn lành mạnh bền vững đồng thời bảo vệ sức khỏe toàn diện, môi trường và sinh kế trên tất cả các lĩnh vực.

Những sáng kiến này giúp các quốc gia chuyển đổi tốt hơn từ các hệ thống lương thực hiện nay, đồng thời thích ứng với các động lực toàn cầu và những thay đổi về môi trường.

Điều này giúp bảo vệ đa dạng sinh học và tiếp cận các cơ hội sinh kế, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu các chế độ ăn uống và dinh dưỡng tốt hơn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp.