BÀI DỰ THI "TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI''

Chung quanh việc giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có chính sách giao đất lâm nghiệp và giao rừng (GĐGR) cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng là đồng bào DTTS, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần bảo vệ rừng. Nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, người DTTS chưa sống được bằng nghề rừng.

Việc triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương chưa tốt nên chưa phát huy hiệu quả.
Việc triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương chưa tốt nên chưa phát huy hiệu quả.

Dân thiếu thông tin Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, một trong các chuyên gia tham gia Tiểu dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP-UBDT do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) hỗ trợ thực hiện, cho biết: qua nghiên cứu hiệu quả các chính sách GĐGR đối với đồng bào DTTS tại bốn khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ gồm các xã: Xuân Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ, nơi có vườn quốc gia Xuân Sơn); Xuân Thọ (huyện Như Thanh, Thanh Hóa; có rừng phòng hộ SIM); Thượng Lộ (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế); Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng)... hầu hết người dân được hỏi đều có biết chính sách GĐGR, nhưng chưa rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như các chính sách hỗ trợ; thông tin về nguồn quỹ đất...

Trong khi đó, chính quyền và các tổ chức khi GĐGR lại chưa căn cứ vào nhu cầu, khả năng quản lý, tập quán sinh kế, văn hóa truyền thống của mỗi DTTS mà thường giao cho hộ gia đình, không phân biệt DTTS; hộ ở đâu giao đó; hộ có điều kiện chi trả chi phí GĐGR thì được giao nhiều; hộ dám nghĩ dám làm, có khả năng được nhận nhiều đất... Vì vậy, có hộ không dám nhận đất, đến khi muốn nhận thì không còn, hoặc đất đã được giao cho các hộ ngoài địa phương khác, như trường hợp tại xã Xuân Sơn (Phú Thọ) có gần 100 ha rừng sản xuất được Ban quản lý rừng phòng hộ giao cho người ở xã khác quản lý. Diện tích đất giao cho DTTS thường rất nhỏ lẻ, nhất là tại các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, mỗi hộ thường chỉ được giao từ hai đến ba ha, nên không đáp ứng được đặc thù của nghề rừng. Đã thế nhiều phần diện tích đất được giao có kết cấu địa chất xấu, nằm trên vùng sườn núi dốc, hay đất thuộc rừng nghèo, tiếng là rừng nhưng chỉ còn lau lách, tre nứa, hệ sinh thái và khu hệ động thực vật đã bị tác động. Tệ hơn, có nơi giao đất rừng cho các hộ dân không hợp lý, cách nơi ở tới 10km, như ở xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Quản lý yếu kém Quá trình triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân chưa gắn với GĐGR, nhất là định mức thấp.

Hiện mức chi trả tiền khoán bảo vệ rừng trung bình là 200 nghìn đồng/ha/năm cho một hộ có trung bình bốn khẩu và nếu có thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thì được 350 nghìn đồng/ha/năm.

Trong khi đó, theo thống kê tại Quyết định số 3322/QĐ-BNNTCLN ngày 28-7-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện trạng rừng toàn quốc, hiện quỹ đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý là gần 2,3 triệu ha, nếu chia cho 22 triệu người DTTS đang sinh sống thì được khoảng 1,2 ha/người. Với mức khoán như hiện nay, không kể "nguồn lợi" hết sức khiêm tốn từ rừng như củi cành, giò phong lan, ngọn măng... mỗi năm mức hưởng lợi từ rừng của người dân cao nhất cũng chỉ đạt khoảng ba đến bốn triệu đồng, nên người dân không có động lực để bỏ thêm chi phí đầu tư phát triển rừng.

Người được GĐGR thì như vậy, còn ban quản lý rừng thì thiếu trang thiết bị, công cụ, phương tiện phục vụ bảo vệ rừng, xử lý tranh chấp đất đai, nhất là thiếu kinh phí cho công tác đo đạc, cắm mốc, dẫn đến GĐGR không đúng giữa bản đồ và thực tế nên không quản lý được. Do không bố trí được kinh phí từ cả trung ương và địa phương nên nhiều chính sách hỗ trợ không triển khai được hoặc không liên tục, như Ban quản lý rừng phòng hộ SIM (Thanh Hóa) có năm chỉ "xin" được 50% kinh phí. Hay thiếu tiền hỗ trợ tái định cư cho người dân như cam kết ban đầu, dẫn đến "quỵt" tiền của dân như trường hợp 30 hộ đồng bào Dao Tiền tái định cư từ vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn được phổ biến mỗi hộ sẽ được trợ cấp 50 triệu đồng khi di dời, nhưng thực tế chỉ được nhận năm triệu đồng/hộ! Một số cán bộ quản lý rừng năng lực quản lý kém, không làm tròn trách nhiệm theo dõi, quản lý bảo vệ và trồng rừng, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để trục lợi. Đó là cung cấp cây giống giá cao hơn thị trường, và có trường hợp lạm thu các khoản phí trong khi không cung cấp dịch vụ nào cho người dân, thậm chí dung túng cho hành vi chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, hoặc các mục đích khác... gây mâu thuẫn giữa các hộ và giữa ban quản lý rừng với các hộ. Như trường hợp xảy ra tại xã Như Thanh (Thanh Hóa), Ban quản lý rừng phòng hộ SIM thu 600 nghìn đồng/ha/năm trồng rừng keo; 400 nghìn đồng/ha/năm trồng luồng. Ngoài ra, khi người dân muốn trồng keo, luồng trên các diện tích rừng khoán phải nộp cho ban quản lý rừng một khoản tiền từ hai đến ba triệu đồng/ha.

Mới là giải pháp tình thế Theo Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh Hà Giang Triệu Là Pham, chính sách GĐGR cho người DTTS trong những năm qua đã bước đầu góp phần cải thiện thu nhập, nhưng chưa đạt mục tiêu là hỗ trợ cải thiện đời sống người DTTS, cũng như bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo DTTS là gần 60%, cao gấp gần ba lần tỷ lệ nghèo chung của cả nước, và gấp năm lần tỷ lệ nghèo của nhóm dân tộc đa số. Cá biệt có một số DTTS tỷ lệ nghèo tới 90%. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập từ rừng chỉ chiếm khoảng 8,5%, do vậy người dân chưa thể dựa vào rừng để sống.

Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy có một nghịch lý là trong kết cấu thu nhập, địa phương nào có tỷ lệ thu nhập từ lâm nghiệp cao 40 đến 50% thì tổng thu nhập bình quân hộ gia đình lại thấp. Điển hình như các hộ DTTS ở xã Xuân Thọ (Thanh Hóa), hay Xuân Đài (Phú Thọ) có thu nhập từ lâm nghiệp chiếm 60 đến 70% cơ cấu sản xuất, thì tổng thu nhập chỉ có khoảng 17 triệu đồng/hộ/năm. Trong khi ở xã Gung Ré (Lâm Đồng) thì ngược lại, tỷ lệ thu nhập từ lâm nghiệp chỉ trên dưới 10%, nhưng tổng mức thu nhập lại đạt khoảng 83 triệu đồng/hộ/năm.

Điều này cho thấy chính sách GĐGR giúp người DTTS được hưởng lợi và hỗ trợ từ rừng chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn và chưa hiệu quả.

Được biết, để khắc phục hạn chế này, cũng là thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4-9-2014 tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương cùng với các bộ, ngành tổ chức soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, với tổng kinh phí dự kiến là 6.708 tỷ đồng. Hy vọng, với những giải pháp cụ thể, dài hơi hơn, người DTTS sẽ sống được bằng nghề rừng.

Nguyên nhân chính sách GĐGR thời gian qua tác động không mấy tích cực đến đời sống sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số một phần do vấn đề tham vấn chưa tốt, chưa có sự tham gia của người dân.

Do đó, thời gian tới, chúng ta cần đề cao hơn nữa vấn đề tham vấn và sự tham gia của người dân trong việc thực hiện chính sách này. Các chính sách phải phù hợp với từng nhóm dân tộc và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Phải có chính sách phát triển sinh kế đa dạng, dài hạn khác cho người nghèo DTTS để có cuộc sống ổn định hơn.

DANH ÚT Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hộ