Nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

NDO -

Rất nhiều vấn đề đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả sự phối, kết hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngày 17-7, tại TP Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp cùng Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) tổ chức hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương và Ban chỉ đạo 389 của 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, thời gian qua, việc phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các cấp, các ngành, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng trong công tác phòng, chống buôn lậu. Sự chồng chéo về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý. Chính vì vậy, từ thực tiễn tại mỗi địa phương, đơn vị, phải đề xuất được những giải pháp, kiến nghị cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Hội thảo tập trung thảo luận vào ba nhóm vấn đề: những vướng mắc liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng lậu, nhóm hàng cấm; các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi chống buôn lậu và các quy định khác của pháp luật. Trong quá trình triển khai hoạt động, rất nhiều khó khăn, vướng mắc đã được các đại biểu chỉ ra như khó khăn về mặt văn bản pháp luật trong việc xác định yếu tố biên giới, biên giới vùng trời, biên giới lòng đất, nơi thông quan hàng hóa; yếu tố biên giới; vùng chồng lấn tranh chấp.

Việc xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý: Số lượng, định lượng được quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; Số lượng, định lượng không quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; Giá trị tang vật, vật chứng do hội đồng định giá xác định; Tang vật, vật chứng không xác định được giá trị, hóa đơn, chứng từ…

Danh mục hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… Kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng; Ủy thác điều tra và kết quả thực hiện ủy thác; Công tác giám định, định giá tài sản; Xử lý tang vật, vật chứng.

Đặc biệt tại hội thảo này, các đại biểu đã nghe và thảo luận về vụ án hàng giả là lô hàng 440 tấn hạt dẻ và 10 tấn hàng đông lạnh có dấu hiệu nhập lậu bị lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện vào tháng 5-2019. Đây là vụ án đã xảy ra gần hai năm nhưng chưa được xử lý. Trong khi số hạt dẻ 440 tấn này hiện đã hư hỏng và hiện tại không thể sử dụng. Lô hàng này được bắt giữ trong kho của Công ty cổ phần thương mại vận tải và tư vấn kỹ thuật và Công ty TNHH Huệ Minh (Lô F19 khu công nghiệp Đông Phố Mới, TP Lào Cai).

Vụ thứ hai cũng xảy ra tại địa bàn tỉnh Lào Cai vừa được phát hiện vào chiều 7-7 vừa qua. Đây là lô hàng lậu với kho hàng có diện tích hơn 10 nghìn m2 tại 145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, TP Lào Cai. Kho hàng này do Trần Thành Phú (28 tuổi, thường trú tại phường Lào Cai, TP Lào Cai) đứng tên làm chủ. Toàn bộ hàng hóa tại đây là giả, hàng lậu không nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, hiện tại vụ việc vẫn đang tiếp tục được xử lý và chủ kho hàng này vẫn chưa làm việc với cơ quan chức năng. Toàn bộ người làm việc tại kho hàng này đều được thuê, hoạt động khép kín trên mạng, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh…