Từ nhận thức ngày càng rõ hơn về ý nghĩa thờ cúng tổ tiên và sức mạnh cội nguồn, tỉnh Phú Thọ đã đề nghị với Đảng, Nhà nước cho phép lập hồ sơ khoa học về "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" để trình với tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hoá thế giới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hoá - Thông tin - Du lịch và tỉnh Phú Thọ, Viện Văn hoá NTVN phối hợp với khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các ngành chức năng của tỉnh làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đã làm việc hết mình, tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành bộ hồ sơ khoa học kịp trình tổ chức UNESCO theo đúng thời gian quy định. Tiếp đến là quá trình vận động, giải trình để các thành viên thuộc tổ chức UNESCO hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và sự lan toả của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" trong cộng đồng người Việt và ảnh hưởng ra thế giới. Mọi công sức của các cơ quan từ trung ương đến tỉnh và các nhà ngoại giao, các nhà khoa học đã được đền đáp xứng đáng. "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây chúng ta có thêm một di sản văn hoá tiêu biểu, góp chung vào kho tàng Di sản văn hoá độc đáo của nhân loại.
Đã từ lâu, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam đều coi vua Hùng là Quốc Tổ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong thực tế đã được trao truyền từ đời nay qua đời khác. Cho đến nay việc thờ cúng tổ tiên được đồng bào cả nước ngưỡng mộ và tôn thờ, được coi như tổ tiên chung của dân tộc.
Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng việc thờ cúng Hùng Vương là của riêng người Việt. Chúng ta không áp đặt về việc thờ cúng tổ tiên cho tất cả các tộc người sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bắt nguồn từ sức mạnh cội nguồn. Có sức mạnh cội nguồn chúng ta mới tập hợp, đoàn kết được toàn dân tộc để bảo vệ và xây dựng non sông đất nước. Vì vậy, việc tôn vinh các vua Hùng là ông Tổ, là biểu tượng của sức mạnh cội nguồn là điều cần thiết, để tập hợp tất cả mọi người dân đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, kể cả kiều bào ở nước ngoài hướng về cội nguồn, thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", ghi nhớ công ơn của những bậc tiền nhân đã từng khai sơn phá thạch để gây dựng nên nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Đến nay cả nước đã có trên 1400 ngôi đền thờ vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Cứ đến dịp mùa xuân - Lễ hội Đền Hùng hàng năm có hàng triệu người con đất Việt về vùng đất cội nguồn linh thiêng để thắp nén tâm hương tri ân công đức tổ tiên. Những người ở xa không có điều kiện về nơi đất Tổ thì đến các đền thờ vọng để thắp hương bái Tổ.
Khi chúng ta được tổ chức UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thì trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại càng cao hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục tuyên truyền giáo dục để mỗi người dân đất Việt dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì đều có ý thức kính hiếu tổ tiên, cùng nhau đoàn kết như "cây một gốc" như "con một nhà" để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn. Việc thế giới vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" sẽ càng tạo thêm sức mạnh cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc.