Góc nhìn

Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, việc làm

Đón nhận tin vui Việt Nam trở thành điểm sáng phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19 thì một câu hỏi cũng đồng thời được đặt ra là sinh kế của người dân đã ổn định trở lại hay chưa, thu nhập và việc làm có đồng tốc với mức độ phục hồi kinh tế-xã hội hay không? Bởi kinh tế có tăng trưởng cao đến mấy, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, suy cho cùng chỉ có ý nghĩa khi an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: molisa.gov.vn)
Ảnh minh hoạ: molisa.gov.vn)

Ðáng mừng là cùng với tín hiệu tích cực của bức tranh kinh tế, cuộc sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý III và chín tháng đầu năm 2022 đều tăng trưởng ấn tượng so cùng kỳ các năm 2021, 2020 và gần trở về mức tăng của thời điểm trước khi xảy ra đại dịch (năm 2019). Mức tăng trưởng việc làm cao được ghi nhận cả trong những ngành là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo và những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi tác động tiêu cực của đại dịch như du lịch, dịch vụ. Một trong những chỉ tiêu đánh giá sự phục hồi của thị trường lao động là mức thu nhập cũng có sự cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân chín tháng của người lao động đang tăng mạnh so cùng kỳ các năm 2020 và 2021, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng…

Ðời sống dân cư cũng dần ổn định trở lại và được cải thiện sau hơn hai năm chống chịu với đại dịch, thể hiện qua kết quả khảo sát cho thấy hơn 83% hộ gia đình đánh giá có thu nhập tăng hoặc không thay đổi trong chín tháng qua, còn số hộ đánh giá có thu nhập giảm đã giảm đi rõ rệt. Bảng xếp hạng tốp 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500) được công bố mới đây cũng cho kết quả tương đồng. Có tới 49% doanh nghiệp VBE500 cho biết đã tăng nhẹ chính sách phúc lợi cho nhân viên, 24% doanh nghiệp khác cho biết đã thực hiện mức tăng đáng kể. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tuyển dụng lao động để phục vụ nhu cầu tăng tốc vào cuối năm, trong đó, xu hướng chọn nghề sau đại dịch của người lao động cho thấy nhóm ngành sử dụng công nghệ như Fintech, tiếp thị kỹ thuật số bán hàng, công nghệ thông tin và bảo mật, y tế và chăm sóc sức khỏe chiếm tỷ trọng cao, bắt nhịp với xu hướng chủ đạo trong kỷ nguyên số hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực, quá trình phục hồi của thị trường lao động, việc làm cũng bộc lộ những điểm hạn chế, nhất là về chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ðây là những vấn đề không mới nhưng càng trở nên thách thức hơn sau đại dịch Covid-19.

Ðể sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới, việc giải quyết những vấn đề về thị trường lao động đòi hỏi phải là một trong những chính sách được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã nhận diện những điểm nghẽn cho phát triển thị trường lao động, như các vấn đề về trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường, năng suất lao động… để có giải pháp khắc phục, đáp ứng những yêu cầu mới về phát triển kinh tế-xã hội bền vững.