9 tháng, lực lượng lao động là 50,5 triệu người
Số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và chín tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại buổi họp báo ngày 29/9 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trên cả nước giảm so quý trước và so cùng kỳ năm trước. Cơ quan thống kê quốc gia nhận định, tình hình lao động, việc làm quý III/2022 tiếp tục đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người đang làm việc và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm cũng giảm so quý trước và so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2022 ước tính là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III/2022 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 126 nghìn đồng so quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng. Tính chung chín tháng năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 805 nghìn đồng so cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho thấy, trong chín tháng năm nay, nhiều hoạt động an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Theo báo cáo từ địa phương, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 2,1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,5 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 3,4 nghìn tỷ đồng (riêng dịp 27/7 là gần 1,9 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 4,38 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 29,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám, chữa bệnh miễn phí được phát, tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tính đến ngày 22/9/2022) gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3.539 tỷ đồng hỗ trợ hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 doanh nghiệp.
Ngoài ra, để bảo đảm người dân không bị thiếu lương thực, ngày 29/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1010/QĐ-TTg cấp gạo cứu đói hỗ trợ giáp hạt cho tỉnh Bình Định 1.290,7 tấn gạo và tỉnh Phú Yên 84 tấn gạo. Tính chung chín tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số hơn 23,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ 471.343 hộ với 1.558,8 nghìn nhân khẩu.
Doanh nghiệp tư vấn cho người lao động tại buổi tuyển dụng. Ảnh: HẢI NAM |
Cuối năm, thị trường lao động khởi sắc
TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định, thị trường lao động từ nay đến cuối năm của cả nước sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc. Minh chứng rõ nhất cho điều này là tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý III rất cao; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 30-40%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại khôi phục sản xuất cũng tăng lên hơn 20%. Thực tế, số lượng doanh nghiệp tăng thì nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng, do đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động tại Hà Nội cũng như cả nước sẽ tiếp tục “ấm lên”, bởi trong thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp chú trọng vào việc hoàn thiện kế hoạch từ đầu năm về hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện các đơn hàng đã được triển khai trong thời gian qua.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất gia tăng (đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng) nhằm đáp ứng những ngày lễ lớn như dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cổ truyền. Cũng như mọi năm, cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng và số lượng doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đang gia tăng. “Những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ đem lại sự khởi sắc cho thị trường lao động. Mới đây, Trung tâm tiếp nhận đơn hàng từ một doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động làm việc ở khu vực phía bắc, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành nghề xây dựng. Qua đó thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng lên, lực lượng lao động tìm kiếm việc làm cũng gia tăng. Đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Nhiều chuyên gia về lao động - việc làm cho rằng, việc tuyển dụng lao động không khó mà “giữ chân” người lao động mới khó. Để hạn chế tình trạng người lao động bỏ việc, “nhảy việc” và để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải đi sâu, đi sát, nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động. Cần nhìn vào thực tế, thời gian vừa qua, việc tăng lương, thưởng cho người lao động chưa được như mong muốn, trong khi giá cả sinh hoạt đầu vào có chiều hướng tăng, vì thế, cần phải xem lại cơ chế đối với người lao động. Với những doanh nghiệp có cơ chế làm thêm giờ thì cần chú trọng lương, thưởng để khuyến khích họ làm việc, sáng tạo.
Cùng với đó, cần tạo được môi trường làm việc thân thiết, năng động; chú trọng đào tạo tay nghề kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên, từ đó giúp người lao động yên tâm với công việc, có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đỡ rất nhiều chi phí nếu như giữ được lực lượng có tay nghề. Họ biết việc, biết tổ chức sản xuất, có kỹ thuật tốt và có tay nghề cao. Nếu làm được điều này thì lợi ích đem lại cho doanh nghiệp là rất lớn.