Phân tích về nguyên nhân tác động đến kết quả tín dụng trên địa bàn trong tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài các yếu tố sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, thì kỳ nghỉ Tết cổ truyền âm lịch và tính chất thời vụ đã tác động chính đến tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, nhu cầu vốn (chủ yếu là vốn ngắn hạn) tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ phục vụ cho dịp Tết và dư nợ tín dụng này sẽ giảm theo kỳ hạn vay, thời hạn trả nợ vào dịp Tết nhằm không chỉ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, mà còn hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ.
Điều này được phản ánh rõ nét khi dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn tháng 1/2024 giảm 2,32%; trong khi đó, dư nợ trung dài hạn tăng 0,35% so với tháng trước.
Với diễn biến đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai các giải pháp như: Khai thác và sử dụng vốn hiệu quả.
Trong đó, các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng. Cần tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi tổ chức tín dụng, với tinh thần chia sẻ, đồng hành để cùng phát triển.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung và thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng vào nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm ngành lĩnh vực đang có xu hướng tăng trưởng tích cực.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh, để thúc đẩy tín dụng, các tổ chức tín dụng cần thực hiện các giải pháp liên quan đến kích thích sản xuất kinh doanh; kích thích nhu cầu vay vốn. Trong đó, bên cạnh những thuận lợi về lãi suất, về thị trường tiền tệ, về hạn mức tín dụng… cần tổ chức thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, các sản phẩm tín dụng linh hoạt, hấp dẫn và thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp.