Khai thác hiệu quả thị trường EU

Cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Ba Lan nói riêng và Liên hiệp châu Âu (EU) nói chung là rất lớn kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, đây là thị trường có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nếu DN không tuân thủ, hoặc không đáp ứng được sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ tại quận 1.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ tại quận 1.

Cửa ngõ đưa hàng hóa vào EU

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết, Ba Lan là thị trường quan trọng và năng động, có lực lượng lao động trẻ và trình độ tay nghề cao, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thân thiện, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và có vị trí thuận lợi cho phép tiếp cận với thị trường 500 triệu dân của EU. Với hơn 38 triệu dân, Ba Lan là thị trường lớn nhất trong số các quốc gia thành viên mới của EU và lớn thứ sáu trong EU. Gia nhập EU vào năm 2004, Ba Lan đã có những cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. 

EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020, mở ra nhiều cơ hội mới cũng như các ưu đãi về thuế cho DN TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Trong số các nước có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam, Ba Lan là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng hàng đầu châu Âu. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 19 vào Ba Lan.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của hai nước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan hơn 1,78 tỷ USD và nhập khẩu từ Ba Lan hơn 341 triệu USD. Trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ba Lan máy vi-tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 993 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt gần 224 triệu USD; hàng dệt, may đạt 69,4 triệu USD; cà-phê hơn 39 triệu USD; giày dép các loại 38 triệu USD… Hiện, Ba Lan có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như: gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ,... từ Việt Nam. 

Ông P.Ha-ra-xi-mô-vích, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh, nhận định, với 71% thuế quan được EU gỡ bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được gỡ bỏ trong vòng bảy năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới… 

Triển vọng xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, kim ngạch nhập khẩu ngoại khối khoảng 1.934 tỷ Euro. Đây là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới với giá trị nhập khẩu hằng năm khoảng 50 tỷ Euro và Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 10 của EU, chiếm khoảng 1,8% thị phần. 

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, cho hay: Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thương mại hai chiều tăng 13,5 lần trong vòng 20 năm, từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,429 tỷ USD năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,3 lần, từ 2,8 tỷ USD năm 2000 lên hơn 40 tỷ USD vào năm 2020; nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 11,8 lần, từ 1,3 tỷ USD năm 2000 lên hơn 15,335 tỷ USD vào năm 2020. Hiện, EU là đối tác thương mại lớn thứ năm, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU trên thế giới, thứ tám ở châu Á, thứ hai khu vực ASEAN. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào EU chiếm 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ EU chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. 

Cũng theo ông Đặng Thái Thiện, tác động của EVFTA đối với xuất, nhập khẩu và đóng góp vào GDP của Việt Nam là rất tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam vào EU dự báo sẽ tăng 42,7% trong năm 2021 và 44,37% vào năm 2022. EVFTA giúp thúc đẩy tăng trưởng một số nhóm ngành nghề của Việt Nam như vận tải thủy, vận tải hàng không, thịt heo (lợn), đường, gạo, da giày, may mặc, dệt, gốm sứ, thủy tinh…

Tuy vậy, EU cũng có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nếu DN không chú ý sẽ gặp nhiều rủi ro. Hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; bảo đảm nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Cùng với đó, DN cần tìm hiểu về những quy định trong Công ước CITES nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU…