Được biết đến với những bông hoa trắng tinh khiết và những chiếc lá có hình dạng độc đáo, mộc lan phương bắc Haiti (pháp danh khoa học là Magnolia emarginata) được phát hiện lần đầu ở vùng rừng núi Morne Colombo.
Tuy nhiên, nạn phá rừng bừa bãi đã phá hủy khu vực này và khiến Magnolia emarginata biến mất khỏi quan sát của giới khoa học từ năm 1925.
Loài thực vật này sau đó được đưa vào danh sách các loài bị đe dọa trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Việc tái phát hiện mộc lan Magnolia emarginata đã thắp lên hy vọng mới về khả năng tái sinh các khu rừng ở Haiti.
Trong những năm qua, độ bao phủ rừng ở đảo quốc vùng Caribe đã suy giảm chóng mặt khi diện tích rừng thu hẹp chỉ còn khoảng 1%. Nhiều loài thực vật bản địa giờ đây chỉ có thể sinh trưởng ở những vùng núi hoặc khe núi mà con người rất khó tiếp cận.
Cho rằng hoa mộc lan có thể tồn tại trong các môi trường sống ở khu vực núi cao, một nhóm các nhà bảo tồn từ Haiti National Trust - tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ đa dạng sinh học của Haiti - tìm đến dãy núi Massif du Nord với hy vọng tìm thấy loài thực vật đã biến mất gần một thế kỷ này.
Vào ngày thứ ba của chuyến thám hiểm, nhóm phát hiện một cây lạ và chụp những bức ảnh đầu tiên về loài cây này. Sau đó, họ tiếp tục tìm thấy 16 cây có hoa trong các giai đoạn phát triển khác nhau, cùng các cây non đang trong thời kỳ đầu của quá trình sinh trưởng.
Sau khi xác định được loài cây, các thành viên của Haiti National Trust đã thu thập mẫu để phân tích ADN và dự định sẽ quay lại vào cuối mùa thu để thu thập hạt giống. Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện mới cho thấy còn nhiều loài thực vật có thể được tìm thấy ở khu vực này.
Haiti National Trust đã trồng thành công bốn loại mộc lan bản địa khác trên đảo Hispaniola. Với kinh nghiệm của mình, các nhà khoa học hy vọng có thể giúp các cộng đồng địa phương góp phần vào các nỗ lực phục hồi, hướng đến hình thành một vườn thực vật để chăm sóc, bảo tồn, nhân giống loài mộc lan bản địa.