Những bức ảnh kỷ vật của liệt sĩ được cựu chiến binh Mỹ Clay Andrews lưu giữ từ năm 1967 đến nay. |
Đó là cuốn sổ nhật ký và những bức ảnh đen trắng chụp chân dung hai người lính, hai nữ thanh niên và hai phụ nữ đang bế ba em bé. Trong cuốn sổ nhật ký có ghi tên nhiều người, nhiều địa danh, địa chỉ hòm thư thuộc các huyện: Tam Nông (Phú Thọ), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Theo lời kể của cựu chiến binh Mỹ Clay Andrews, người trực tiếp thu giữ các kỷ vật nêu trên thì liệt sĩ đã hy sinh vào buổi chiều chủ nhật, ngày 23/7/1967, trong trận đánh tại Plei Ya Bo (thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), sau đó được chôn chung trong một hố chôn tập thể của khoảng từ 25 đến 40 liệt sĩ tại trận địa.
"Tôi lấy cuốn nhật ký, các bức ảnh, mấy bức tranh tự họa bằng bút chì mầu, một con tem in hình máy bay Mỹ bị bắn rơi trong túi áo ngực và ống tay áo của một người lính Việt Nam đã chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh… Tôi chưa bao giờ có ý định vứt bỏ những kỷ vật của anh ấy và luôn trân trọng, giữ gìn. Nếu không tìm được gia đình của liệt sĩ để trao trả, tôi sẽ rất vinh dự được hỏa táng những kỷ vật này cùng tôi khi tôi chết" - cựu chiến binh Clay Andrews nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Báo Nhân Dân đã có công văn gửi các cơ quan chức năng, sở Lao động-Thương binh và Xã hội, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương có tên trong cuốn sổ nhật ký, đề nghị phối hợp xác minh thông tin liệt sĩ và tìm kiếm thân nhân.
Ngày 15/8/2022, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã đăng nội dung công văn của Báo Nhân Dân cùng hình ảnh các di vật của liệt sĩ trên trang facebook Tam Nông Lao động, kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ, hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ và thân nhân. Ngay sau đó đã có hơn 300 lượt chia sẻ với rất nhiều bình luận, cung cấp nhiều thông tin có giá trị.
Chỉ bốn tiếng sau, anh Phạm Văn Lịch, cháu ruột của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài, ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, đã lên tiếng xác nhận trong cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ có tên của nhiều người thân trong gia đình anh. Anh Phạm Văn Lịch cho biết, liệt sĩ Phạm Tuấn Tài hy sinh đã hơn 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa biết phần mộ ở đâu, vì vậy, gia đình rất vui khi nhận được thông tin này.
Kết quả rà soát, xác minh của UBND xã Vạn Xuân, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông cho biết, các ông Phạm Minh Chúc, Phạm Ngọc Mai, Phạm Ngọc Mây, thôn Nam Cường, xã Bình Dân và ông Đặng Ngọc Anh, xã Cổ Tiết được ghi trong cuốn nhật ký là các anh trai và anh rể của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài, hy sinh ngày 23/7/1967, tại chiến trường Tây Nguyên.
Hiện nay, người thờ cúng liệt sĩ Phạm Tuấn Tài là anh Phạm Văn Lịch, con trai ông Phạm Minh Chúc. Tuy nhiên, gia đình liệt sĩ Phạm Tuấn Tài chỉ xác nhận được tên của các anh trai và anh rể liệt sĩ, còn các nội dung khác trong sổ nhật ký và các bức ảnh thì gia đình không biết.
Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, nay là Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Sư đoàn 1, ông Hồ Đại Đồng đã tích cực vào cuộc tìm kiếm thông tin các liệt sĩ hy sinh trong trận Plei Ya Bo, ngày 23/7/1967, và cùng tình nguyện viên Trương Đức Bình tổ chức hai chuyến đi xác minh thông tin liệt sĩ tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) và Duy Tiên (Hà Nam).
Ông Hồ Đại Đồng cũng kêu gọi các tình nguyện viên trên khắp cả nước hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin để thân nhân liệt sĩ được biết. Hiện hàng trăm tình nguyện viên đã đăng tải và chia sẻ trên các diễn đàn và nhóm facebook tìm kiếm thông tin liệt sĩ và mộ liệt sĩ, thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thân nhân liệt sĩ nào xác nhận thông tin về các bức ảnh của liệt sĩ.
Người lính khi bước vào cuộc chiến chỉ mang theo những gì quý giá nhất. Với người lính này, đó là cuốn sổ nhật ký, những bức ảnh người thân và những bức tranh tự vẽ. Giờ đây, những kỷ vật ấy trở thành vô giá. Việc trao trả kỷ vật không chỉ giúp gia đình liệt sĩ biết thêm thông tin, hoàn cảnh hy sinh về người thân của mình, mà có thể còn là manh mối giúp tìm được mộ liệt sĩ.
Rất mong chính quyền và ngành lao động-thương binh và xã hội các địa phương sớm quan tâm, rà soát, tìm kiếm, xác minh những thông tin nêu trên để các kỷ vật của liệt sĩ sớm được trở về với người thân, gia đình liệt sĩ.Trong cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ có tên người và các địa danh sau: Đặng Ngọc Anh (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); Phạm Minh Chúc, Phạm Ngọc Mai, Phạm Ngọc Mây (thôn Nam Cường, xã Bình Dân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); Lê Thị Nhu, Nguyễn Thị Vĩnh, Lê Thị Minh Thể (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phú); Lê Huy Hòa, Lê Minh Tuất, Lê Quyên, Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Văn Tước, Trần Văn Thân, Nguyễn Văn Tính, HT-62104-X-P; Nguyễn Thị Thơm, HT-2275-HP; Bùi Thị Tâm, Đặng Thị Xiu, Nguyễn Thị Tuyết, Lương Thị Cẩm, Vũ Thị Kim Tịnh (thôn An Hạ); Nguyễn Trọng Vở (Hợp tác xã An Khánh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú); Lê Thị Kim Liên (thôn Hoa Phú, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú); Đỗ Thị Duyên (thôn Lạc Chung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú).