Kiên quyết xử lý sai phạm tại các chung cư
Tại Hà Nội hiện có 688 nhà chung cư thương mại và 168 chung cư tái định cư đã đưa vào sử dụng. Thời gian qua, công tác quản lý chung cư luôn được thành phố chú trọng. Riêng HĐND thành phố đã có hai nghị quyết chuyên đề, tổ chức chất vấn về nội dung này ở chín kỳ họp, bốn cuộc giám sát. Với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đến nay, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư đã có nhiều chuyển biến. 418 chung cư thương mại đã thành lập ban quản trị; 309 nhà chung cư đã bàn giao diện tích sở hữu chung; 184 chung cư đã bàn giao hồ sơ và quỹ bảo trì…
Tại các chung cư tái định cư, 71 tòa nhà thành lập ban quản trị và bàn giao hồ sơ nhà. 9.978 căn hộ được cấp “sổ đỏ” (đạt 72%); hơn 9.000 m2 tại 129 tòa nhà được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Song vẫn còn không ít hạn chế trong lĩnh vực này. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đề nghị UBND thành phố làm rõ những vấn đề cử tri đang bức xúc hiện nay như: 270 nhà chung cư thương mại chưa thành lập ban quản trị; 235 nhà chung cư chưa được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì; chất lượng nước sinh hoạt chung cư kém, nhiều tòa chung cư mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)…
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về việc chủ đầu tư của 235 tòa nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố xử lý vấn đề này trên tinh thần làm hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Sau đó, nếu vấn đề vượt thẩm quyền sẽ chuyển sang tòa án chứ không có việc thành phố buông lỏng và đẩy trách nhiệm sang tòa án. Thành phố đang tăng cường kiểm tra và tập trung giải quyết vấn đề nước sạch tại một số chung cư có chất lượng và lượng nước không bảo đảm. Thành phố chỉ đạo chủ đầu tư bố trí nguồn nước mới vì trước đây chủ đầu tư chỉ khai thác nguồn nước tại chỗ, dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Về tình trạng gần 140 tòa chung cư chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, nguyên nhân là do không còn quỹ đất, thành phố đã giao các quận, huyện tìm quỹ đất để bố trí...
Về công tác phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, thành phố có 79 công trình vi phạm an toàn PCCC. Tính đến ngày 30-6, 55 công trình đã khắc phục xong vi phạm và được nghiệm thu. Hiện còn 24 công trình tồn tại vi phạm, trong đó có hai chung cư tại quận Long Biên và quận Cầu Giấy đã có giải pháp khắc phục vi phạm, nhưng người dân chưa đồng tình. Với năm công trình mà chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ không chịu khắc phục vi phạm, Cảnh sát PCCC Hà Nội đang củng cố, hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến cử tri và chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các giải pháp xử lý, trong đó xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình. Để làm tốt công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, thời gian tới, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng tăng cường quản lý chủ đầu tư từ lập dự án, xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, tăng cường kiểm soát trách nhiệm của chủ đầu tư, không để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Ngoài ra, phải tiếp tục vận động tuyên truyền đến người dân bằng cách thực hiện tốt nghĩa vụ công dân khi sống trong chung cư.
Tăng cường quản lý các trường ngoài công lập
Hiện nay, thành phố có 477 cơ sở giáo dục ngoài công lập và bảy trường công lập tự chủ, với hơn 12 nghìn nhóm lớp, thu hút hơn 239 nghìn học sinh. Số trường ngoài công lập tăng rất nhanh, chiếm 14% số trường mầm non, phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, trong điều kiện nhiều trường công lập đang bị quá tải.
Tuy nhiên, điều cử tri lo lắng hiện nay là nhiều trường ngoài công lập phải thuê mượn địa điểm, cơ sở vật chất chưa ổn định, thiếu trang thiết bị, số lượng giáo viên ít, chưa đáp ứng đủ điều kiện dạy và học. Một số đại biểu đặt câu hỏi: Trong các trường ngoài công lập, có 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, hoạt động không ổn định, chỉ có 34 trường đạt chuẩn quốc gia, vậy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo những trường này chưa? Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, khi thẩm định thành lập và cho phép tổ chức hoạt động, các trường tư thục đều phải bảo đảm quy định chung để được cấp phép. Tuy nhiên, để đạt chuẩn quốc gia, các trường còn cần nhiều yếu tố khác. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, công tác dạy và học tại các trường được cấp phép hoạt động đều bảo đảm theo quy định. Hằng năm, Sở vẫn mở các lớp đào tạo và nâng cao chất lượng giáo viên trong khối công lập và tư thục từ cấp mầm non lên tới THPT.
Các vấn đề liên quan tới quy trình tuyển sinh song bằng tú tài, cấp giấy phép lao động cho các giáo viên người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công tác dạy ngoại ngữ, giám sát quản lý thu - chi trong trường học... cũng được các đại biểu quan tâm chất vấn. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ngành giáo dục Hà Nội có giải pháp kiểm định và công bố chất lượng của các trường ngoài công lập, trên cơ sở đó công bố học phí, khắc phục tình trạng học phí và chất lượng dạy học không tương xứng; UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường tăng cường kiểm tra các trường sau cấp phép. Đồng thời phối hợp, đưa ra giải pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức bao che khi hành vi được phát hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: HĐND thành phố sẽ tái giám sát vấn đề này vào kỳ họp giữa năm 2019 và mong muốn sau phiên chất vấn, công tác giảng dạy, đào tạo tại khu vực trường học ngoài công lập sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm các tiêu chí đặt ra.