Tìm giải pháp phù hợp xây dựng kè biển ở Bình Thuận

Trên tinh thần thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận đã, đang xây dựng bờ kè biển. Tuy nhiên, quá trình xây dựng bờ kè biển đã tạo nhiều thông tin trái chiều.
Khách sạn Hoàng Ngọc đến resort Minh Tâm chưa có kè nên rác thải đại dương rất khó dọn dẹp.
Khách sạn Hoàng Ngọc đến resort Minh Tâm chưa có kè nên rác thải đại dương rất khó dọn dẹp.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, trước ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tình hình sạt lở bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến các khu vực bờ biển chưa có công trình bảo vệ luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở, mất đất, thiệt hại tài sản, mất bãi tắm ven biển.

Hiện nay, bờ biển thuộc phường Hàm Tiến (thành phố Phan Thiết) được đầu tư ba đoạn kè với tổng chiều dài khoảng 3.871m. Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết tổ chức khảo sát dự án kè bảo vệ bờ biển đoạn từ resort Minh Tâm đến khách sạn Hoàng Ngọc có chiều dài khoảng 800 m và đoạn từ nhà nghỉ Làng Cát đến khách sạn Surf4You Residence có chiều dài khoảng 1.800m.

Hai đoạn kè này kết nối liền tuyến, đồng bộ với các đoạn kè đã đầu tư nhằm phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dự án bờ kè này đang có một số cơ sở du lịch chưa đồng tình làm kè kiên cố, chỉ mong muốn làm công trình kè tạm.

Theo ghi nhận vào đầu tháng 8, dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến), nhiều khách sạn, resort, nhà hàng xây dựng bên phía bãi biển, nằm san sát nhau kéo dài vài cây số, nên không còn đường dẫn xuống biển.

Chúng tôi đến trước cổng khách sạn Hoàng Ngọc, khách sạn Meraki Oasis để đi xuống bãi biển. Nhưng nhân viên bảo vệ hướng dẫn đi dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến khi có đường dẫn xuống.

Ở bãi biển, nhiều đoạn kè kiên cố đã được xây dựng. Riêng đoạn từ khách sạn Hoàng Ngọc đến resort Minh Tâm đang xây dựng kè tạm bằng ống túi cát để chống biển xâm thực. Mỗi khách sạn làm túi ống cát riêng tạo thành khu “biệt lập”. Khách sạn Hoàng Ngọc đang hút cát biển, bơm vào một túi ống cát. Nhiều xe máy xúc đào một đường rãnh riêng trên bãi biển.

Sau khi nhận phản ánh, ông Ngô Ngọc Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàm Tiến cho biết: Phường đã lập biên bản khách sạn bơm hút cát từ dưới biển; yêu cầu đơn vị này tạm ngưng và báo cáo vụ việc lên Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết để có phương án xử lý.

Chia sẻ về bờ biển bị xâm thực, anh Lê Anh Vương (ngụ Hàm Tiến) kể: Vào thời điểm cuối năm, bờ biển dọc đường Nguyễn Đình Chiểu luôn bị biển gây xói mòn. Trước kia, tính mép đường ra đến bờ biển phải dài hơn 50m, còn hiện tại chỉ khoảng 20-30m. Hằng năm, biển xâm thực khoảng vài mét nên dẫn đến bờ biển mất dần. Từ khi có kè, biển không còn xâm thực. Nhờ vậy, nhiều cửa hàng, khách sạn không còn phải lo lắng chuyện sạt lở. Có thể thấy, kè có ảnh hưởng đến sinh hoạt riêng của từng khách sạn, nhưng bù lại người dân có thể sử dụng chung.

Với quan điểm bất lợi cho du lịch, theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, đoạn bờ kè đã đưa vào sử dụng không được bảo trì định kỳ, dễ gây nguy hiểm, trượt té cho du khách và rất khó khăn thu gom rác biển. Kè mái hiên có kèm hành lang đi bộ, hình thành đường đi công cộng và người dân thường xuyên chiếm dụng bỏ chài lưới, buôn bán, phơi hải sản, vứt rác… gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan du lịch.

Kè làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển, khó tổ chức các hoạt động thể thao biển. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo sở, ban, ngành phối hợp với doanh nghiệp tìm phương án khác để khắc phục tình trạng sạt lở mà vẫn giữ được bãi cát tự nhiên tạo mỹ quan, môi trường, hoạt động thể thao, du lịch biển.

Hiệp hội đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trước khi trình giải pháp thiết kế, phải lấy ý kiến hiệp hội và các doanh nghiệp nằm trong khu vực xây dựng bờ kè.

Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Thành Trung cho biết: Hiện kè kiên cố chưa có vật liệu hữu hiệu, tối ưu để thay thế bê-tông, chống rêu bám. Kè thiết kế mái phù hợp với độ dốc của bãi biển, có bố trí bậc cấp lên xuống chống trơn trượt.

Trong quá trình quản lý vận hành, chính quyền địa phương có trách nhiệm thường xuyên tổ chức vệ sinh, quét dọn. Việc đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ, kè mái hiên tạo sự trơn thuận, rác thải dễ di chuyển dọc bờ và tập trung tại một số vị trí cố định theo dòng chảy tự nhiên.

Bờ kè có tuyến đường bộ tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận biển. Qua thực tế, các tuyến kè đã trở thành đường đi bộ ven biển tạo thành điểm nhấn, điểm đến lý tưởng, ưa thích, thu hút người dân và du khách.

Sau một cuộc họp vừa qua với các sở, ngành ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến để hoàn thiện lại báo cáo; đánh giá kết quả thực hiện các công trình chống xói lở trong khu vực và các giải pháp.

Bên cạnh đó, Sở làm rõ mục tiêu đầu tư công trình là để tạo bãi hay bảo vệ bờ, đầu tư bảo vệ trước mắt hay lâu dài đưa ra đề xuất giải pháp đầu tư cho phù hợp.