Tìm giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái

NDO - Sáng 7/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch (tỉnh Lai Châu) tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái.
0:00 / 0:00
0:00
Trên 150 đại biểu thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham dự diễn đàn.
Trên 150 đại biểu thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

Theo đó, Việt Nam hiện có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, như: Sâm Lai Châu, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Lan kim tuyến... Hầu hết các loài thảo dược quí, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng và làm tốt việc gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái.

Đơn cử chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.

Tìm giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái ảnh 1

Đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu trưng bày tại diễn đàn.

Lai Châu có tổng diện tích rừng là 472.676,04 ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,87%, là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng. Trong đó nhiều diện tích rừng phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Với lợi thế đó, Lai Châu đã tập trung phát triển nhiều hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Giai đoạn 2011-2020 đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh. Riêng năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ đạt trên 550 tỷ đồng.

Tham dự diễn đàn, đại biểu của Lai Châu cũng như các địa phương khác mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, người làm chính sách, các doanh nghiệp... chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái.

Cụ thể với các vấn đề như: các định mức kinh tế-kỹ thuật trồng dược liệu, quy trình kỹ thuật phát triển nguồn giống dược liệu; cơ chế liên kết chuỗi giá trị, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu theo chuỗi gắn với du lịch sinh thái nhằm đảm bảo vấn đề sinh kế trong cộng đồng dân cư; thực trạng định hướng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng... Từ đó, tiếp nhận những thông tin hữu ích đồng thời tìm ra những nút thắt, giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tăng thu nhập cho người dân từ phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Tìm giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái ảnh 2

Đại biểu phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Lê Quốc Thanh, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái và đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn sản xuất; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến tham gia tại Diễn đàn về báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới.

Trước đó chiều 6/7, các đại biểu về dự diễn đàn đã tham quan mô hình trồng sâm Lai Châu tại Hợp tác xã bảo tồn và phát triển sâm núi Lai Châu, xã Giang Ma và bản du lịch cộng đồng Lao Chải, xã Khun Há, huyện Tam Đường.