Tìm giải pháp ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động

NDO - Sáng 9/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17, khóa IX, nhằm cho ý kiến vào nội dung đề án tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029...
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm thảo luận. Đối với nội dung ban hành Đề án tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị lãnh đạo đại hội.

Ngày 5/5/2023, Ban Bí thư đã họp, thảo luận thống nhất ban hành Chỉ thị lãnh đạo đại hội. Ban Thường trực đang phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư hoàn thiện Chỉ thị để trình ký ban hành.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, tinh thần chung là Đại hội Mặt trận Việt Nam các cấp lần này tiếp tục làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng đắn kết quả đã đạt được, chỉ rõ hạn chế nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong nhiệm kỳ tới.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, cần nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có); hiệp thương thống nhất cử Ủy ban, Ban Thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch theo hướng nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, mở rộng được các Ủy viên đại diện cho các giai cấp, giai tầng trong xã hội có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị cần phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện Đề án, ban hành để tổ chức thực hiện. Các ý kiến góp ý sẽ giúp đại hội lần này hay hơn, thành công hơn lần trước, mỗi lần Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một lần khích lệ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về nội dung báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Bởi vậy, từ nội dung báo cáo, các đồng chí tham dự hội nghị cùng thảo luận, trao đổi, góp ý thêm những nội dung cần thiết với Đảng và Nhà nước để bản tổng hợp, tập hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự mang hơi thở cuộc sống, phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Thông tin về Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm từ 7.000-8.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho rằng, Đề án có ý nghĩa chính trị, xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc do Đoàn Chủ tịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên.

Đây là việc làm thiết thực giúp đỡ được hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thiết thực củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ tươi đẹp của chúng ta.

Chia sẻ về nét mới trong việc tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến chia sẻ, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước, thông qua ký kết chương trình phối hợp công tác, phản biện xã hội…

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến mỗi một kỳ họp Đoàn Chủ tịch, họp Ủy ban, theo tình hình thực tiễn sẽ mời một số đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo, trao đổi cụ thể một số nội dung để rõ thêm thông tin, tăng cường đồng thuận, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến mỗi một kỳ họp Đoàn Chủ tịch, họp Ủy ban, theo tình hình thực tiễn sẽ mời một số đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo, trao đổi cụ thể một số nội dung để rõ thêm thông tin, tăng cường đồng thuận, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Vì vậy, tại Kỳ họp lần thứ 17, Ban Thường trực mời đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trao đổi một số nội dung cụ thể mà cử tri và nhân dân quan tâm về giáo dục và đào tạo.

Từ những nội dung trên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng đại biểu tham dự sẽ đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung, góp phần vào thành công của hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà trình bày các tờ trình nội dung xin ý kiến. Trong đó, về nội dung báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến 3 nội dung kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ và có phản hồi ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.