Tìm giải pháp kết nối điểm đến Việt Nam và thế giới

NDO - Hợp tác hàng không-du lịch đã và đang đưa dòng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam trong thời điểm ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Việc khôi phục và mở lại các đường bay quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp và điểm đến phải thích ứng một cách phù hợp nhất với xu thế du lịch sau đại dịch Covid-19 của khách du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Chiều nay (27/12) tại thành phố Đà Nẵng, Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Hợp tác hàng không-du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Nhằm tạo thuận lợi kết nối các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thúc đẩy phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế thông qua phát triển hàng không, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ-TTg phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 105/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.

Theo đó, tại đề án đã xác định tăng tuần suất, mở mới các đường bay liên vùng cũng như các chuyến bay quốc tế đến trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam để thu hút hành khách quốc tế và phát triển kinh tế, dịch vụ trong nước.

Ngành hàng không trong thời gian qua đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.

Tìm giải pháp kết nối điểm đến Việt Nam và thế giới ảnh 1

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề trọng tâm như đánh giá thách thức, cơ hội của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới; định hướng của ngành hàng không trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh, phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Năm 2022, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, khi 11 tháng của năm đón 2,9 triệu khách (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng của năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%). Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Tìm giải pháp kết nối điểm đến Việt Nam và thế giới ảnh 2

Đà Nẵng khai trương nhiều đường bay quốc tế thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, dự báo năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019.

Để đạt được kỳ vọng này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp như tiếp tục theo dõi, bám sát và kiên trì trong việc tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này; tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài; nghiên cứu việc thiết lập đường bay không lưu quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và xem xét, công bố Cảng hàng không Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không đến các cảng hàng không này.

Cục đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng, đồng thời xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân…