Hiệu quả từ đẩy mạnh kết nối du lịch

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gặt hái nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Việc thành phố sớm kết nối lại hoạt động du lịch với 13 tỉnh, thành phố trong khu vực này đã giúp cho ngành du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển sôi nổi trở lại, góp phần vào sự khởi sắc chung của ngành du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách Thành phố Hồ Chí Minh tham quan điện gió ở tỉnh Bạc Liêu.
Du khách Thành phố Hồ Chí Minh tham quan điện gió ở tỉnh Bạc Liêu.

Ngay trong tháng 3/2022, tại tỉnh Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2022. Hoạt động diễn ra chỉ sau ba ngày Việt Nam công bố tổ chức trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Sau chín tháng, Việt Nam đã có hơn 96,3 triệu khách du lịch nội địa, cao hơn số khách cả năm 2019; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% lượng khách du lịch nội địa của cả nước.

Theo đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Công thương, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, những con số nêu trên đã chứng minh một điều bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch từng địa phương, liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch Covid-19.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, năm 2022, lượt khách của công ty đến vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 100% so với năm 2021. Các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự kết nối hiệu quả với các điểm đến ở các tỉnh, thành phố trong khu vực, tạo nên những tua du lịch mới lạ, hấp dẫn bên cạnh những tua truyền thống từng tạo nên “thương hiệu” du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm qua.

Bà Lê Thị Hồng Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Long An cho biết, nhờ vào chương trình kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Long An đã có một năm nhiều khởi sắc. Du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã đến Long An nhiều hơn. Hiện nay, tỉnh Long An đã xây dựng, hình thành được ba tuyến, tua du lịch trọng điểm.

“Những tuyến, tua du lịch góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh và đưa du khách đến với Long An trong thời gian qua. Ngoài ra, tỉnh từng bước xây dựng nội dung thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười giữa ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và sản phẩm du lịch đường sông giữa bốn địa phương: Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang”, bà Lê Thị Hồng Thủy cho hay.

Tuy nhiên, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới- giai đoạn tăng tốc phát triển sau khi phục hồi. Thách thức đó chính là lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung chưa cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch và các chương trình kích cầu du lịch của Việt Nam nói chung và cụm đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chưa mới và vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Trong khi đó, một số nước trong khu vực có nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho rằng, 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, nhưng tính đặc sắc chưa rõ nét, mô hình làm du lịch ở các địa phương trùng lặp. Do đó, muốn thu hút du khách, ngành du lịch của vùng cần cải thiện hạ tầng du lịch, đào tạo kỹ năng mềm, tạo các sản phẩm đặc trưng theo hướng đa trải nghiệm...

Trước thực tế đó, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố khác trong phát triển du lịch. Theo đồng chí Phan Thị Thắng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương để “hút”dòng khách từ nơi khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng.

Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành cho biết, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo mối liên kết giữa các địa phương… Đồng thời, cần tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là đầu tư sâu các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, hình thành các sản phẩm di sản miền tây, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng để phục vụ, thu hút khách...

Theo dự báo mới nhất của các tổ chức du lịch quốc tế và các đơn vị tư vấn, du lịch thế giới có khả năng đạt được mức tăng trưởng như năm 2019 vào năm 2024, sớm hơn một năm so với các dự báo cũ. Điều đó có nghĩa là, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển nhưng cũng đồng thời đứng trước thách thức không nhỏ so với các điểm đến khác trong khu vực.

“Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết liệt phối hợp chặt chẽ của 14 tỉnh, thành phố, chúng ta tin tưởng rằng có thể xây dựng thương hiệu du lịch vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam và cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực”, đồng chí Phan Thị Thắng tin tưởng.