Cần “nới” chính sách thị thực du lịch

Việt Nam mở cửa rất sớm đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022 với kỳ vọng tạo “sức bật” cho ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, ước tính đến hết năm 2022, toàn ngành du lịch chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế so với mục tiêu cả năm là 5 triệu lượt khách. Ðến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ước đón được khoảng 2,7 triệu lượt khách quốc tế, trong khi mục tiêu đề ra là 3,5 triệu khách.
0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh những nhược điểm cố hữu như cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn “đi trước, về sau” so với các nước trong khu vực vì chưa khắc phục “điểm nghẽn” trong thủ tục visa (thị thực nhập cảnh). Ðiều này đã được các chuyên gia, những doanh nghiệp du lịch sớm góp ý, kiến nghị chỉnh sửa chính sách thị thực, nhưng việc chậm sửa đổi khiến ngành du lịch mất lợi thế cạnh tranh và bỏ lỡ cơ hội “hút” khách quốc tế.

Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất và là một điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch. Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Thế nhưng, hiện Việt Nam lại đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch quốc tế của khu vực Ðông Nam Á sau dịch Covid-19. Kết quả này cho thấy, chính sách mở cửa du lịch quốc tế đang kém hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phục hồi du lịch rất đáng khích lệ sau thời gian “đóng băng” do dịch Covid-19 nhờ nỗ lực kích cầu và quảng bá du lịch. Nhưng thị trường du lịch thành phố “bùng nổ” trở lại chủ yếu nhờ du lịch trong nước, còn du lịch quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng. Ðại diện nhiều doanh nghiệp du lịch lớn của thành phố cho biết, công suất phòng tại các cơ sở lưu trú giành cho khách du lịch quốc tế vẫn rất thấp. Ðiều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương đi đầu cả nước trong xúc tiến, quảng bá và làm mới các sản phẩm du lịch, tuy nhiên, vẫn cần thêm hỗ trợ từ các bộ, ngành để thúc đẩy hơn nữa việc mở cửa trở lại cho ngành du lịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thủ tục visa hiện vẫn là vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành du lịch Việt Nam. Visa thật sự đang làm nản lòng nhiều du khách quốc tế và họ chọn du lịch ở các quốc gia khác trong khu vực có chính sách visa thân thiện hơn, thậm chí miễn visa. Ðơn cử như Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, con số này của Việt Nam chỉ là 24; Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày, còn Việt Nam chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày… Chính sách visa thông thoáng lý giải một phần lý do Thái Lan đã đạt 10 triệu lượt khách quốc tế từ đầu tháng 12/2022, Singapore cũng đang vượt qua mốc 6 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm.

Mặc dù không đạt chỉ tiêu đón khách du lịch quốc tế trong năm 2022, nhưng năm 2023, ngành du lịch Việt Nam vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Ðể hỗ trợ thiết thực “ngành kinh tế mũi nhọn”, trước mắt, Việt Nam cần mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa; áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Mặt khác, cần kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, thậm chí dài hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Việc triển khai cấp thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện và đơn giản hóa thủ tục cho khách quốc tế...