Tìm giải pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn lâu nay gây bức xúc, khó chịu trong đời sống và ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn: việc nhiều người sử dụng còi hơi công suất lớn, bấm còi, rú ga liên tục khi tham gia giao thông trong các đô thị, khu dân cư; từ các cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh, tụ điểm vui chơi giải trí, các công trình đang xây dựng. Thậm chí, nhiều hộ gia đình tổ chức đám cưới không chỉ ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để dựng rạp mà còn bật nhạc ầm ĩ, gây phiền toái đến hàng xóm chung quanh. Các công ty, nhà hàng khai trương, tổ chức sự kiện cũng bật nhạc, hát hò giữa phố gây huyên náo. Ðã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do tiếng còi to và chói tai khiến người điều khiển phương tiện giao thông giật mình, mất kiểm soát tay lái cũng như nhiều vụ xô xát do mâu thuẫn từ tiếng ồn hát ka-ra-ô-kê bằng loa kéo, loa di động tại nơi công cộng hay hát tại nhà nhưng mở âm thanh quá lớn, quá khuya. Tháng 4 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt Nguyễn Thanh Khoa trú huyện Bình Chánh do đâm chết hàng xóm cùng dãy trọ khi người này sang nhắc nhở Khoa và bạn bè hát ka-ra-ô-kê bằng loa kéo gây ồn ào. Tại một số địa phương, có không ít sự việc gây mất an ninh trật tự và án mạng do mâu thuẫn xuất phát từ tiếng ồn hoặc một phần do xử lý thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng.

Tại kỳ họp HÐND thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 khóa 9 mới đây, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát ka-ra-ô-kê bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp. Thực tế cho thấy, văn hóa sử dụng âm thanh ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, theo hướng mạnh ai nấy dùng mà không quan tâm các quy định hay những người chung quanh. Bên cạnh ý thức của người dân, dư luận cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền còn thiếu kiên quyết trong xử lý. Việc xử phạt vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung đã được quy định tại Nghị định số 167/2013/NÐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và tại Nghị định số 155/2016/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, nếu gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng đối với cá nhân; từ 200 nghìn đến 600 nghìn đồng đối với tổ chức vi phạm; cơ sở sẽ bị đình chỉ hoạt động đến sáu tháng nếu gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức cao... Ðối với tiếng ồn từ phương tiện giao thông, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng có những quy định cụ thể.

Thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng vẫn thiếu trang thiết bị chuyên dụng để tiến hành kiểm tra, xử lý tiếng ồn cũng như hoạt động quản lý về trật tự công cộng còn nhẹ, chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở… Việc quản lý âm thanh giúp bảo đảm môi trường âm thanh trong lành, nâng cao chất lượng cuộc sống là vô cùng cần thiết. Tiếng ồn vượt quá mức quy định không chỉ gây khó chịu ngay tại thời điểm đó mà còn tác động xấu đến sức khỏe về lâu dài. Vì vậy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, nhà hàng, quán ka-ra-ô-kê, cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh vi phạm quy định về tiếng ồn. Cần xử lý nghiêm những trường hợp "độ" hoặc cải tạo, nâng cấp âm thanh phương tiện giao thông sai quy cách; tăng cường lắp đặt các thiết bị theo dõi vi phạm biển báo giao thông về âm thanh; nâng cao hình thức phạt nguội, phạt nghiêm khắc những trường hợp thường xuyên gây tiếng ồn tại khu dân cư và nơi công cộng... Luật và nghị định đã có các điều khoản rất chi tiết về việc xử lý các dạng ô nhiễm tiếng ồn, nhưng để giải quyết triệt để vấn nạn này, ngoài xây dựng chế tài và đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chức năng cũng phải thường xuyên nâng cao ý thức về nếp sống văn hóa cho người dân. Ngay từ mỗi khu dân cư, cán bộ tổ dân phố cần tuyên truyền, nhắc nhở mọi người hiểu và tôn trọng hàng xóm, giảm gây tiếng ồn tại nơi cư trú. Ban quản lý các tòa nhà cần phát huy vai trò giám sát, vận động người dân thực hiện và tôn trọng nếp sống văn minh…