Tìm cách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng vẫn phải kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống, không những tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn phải đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.
Người dân giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Trong khi đó, số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 14/6, tín dụng mới tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đòi hỏi cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Nhiều ngân hàng tăng trưởng âm

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nâng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng và đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng...

Nhờ vậy, đến ngày 14/6, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện dần qua các tháng. Doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần sáu tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ ba năm trước.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nêu con số chi tiết: Đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.

“Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.

Linh hoạt các giải pháp tháo gỡ

Là một ngân hàng trong nhóm Big4, nhưng mức tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến thời điểm này khá “khiêm tốn”. Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, tính đến ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,4% so với đầu năm.

“Đây là một nỗ lực rất lớn của Vietcombank bởi có thời điểm tăng trưởng âm. Nguyên nhân là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp mặc dù thời gian qua, Vietcombank đã thực hiện rất nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến,...”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Đồng thời, vị lãnh đạo Vietcombank cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao hay thấp không phải hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của ngành ngân hàng, mà phụ thuộc lớn vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Chung quan điểm, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm chia sẻ, tăng trưởng tín dụng đang gặp nhiều khó khăn. “Dù bản thân ngân hàng rất muốn cho vay, thậm chí là đang sốt ruột, nhưng do sức hấp thụ vốn kém cho nên tín dụng tăng trưởng chậm. Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao, giải thể tăng do gặp phải khó khăn thời hậu Covid-19, cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã giảm sút nhiều do khó khăn kéo dài dẫn đến cầu tín dụng giảm”, ông Lê Ngọc Lâm nhận định.

Quyền Tổng Giám đốc ABBANK Phạm Duy Hiếu cho biết, với ABBANK thì việc bảo vệ danh mục tín dụng là vô cùng quan trọng. Theo đó, ngân hàng đã rà soát các khách hàng, khách hàng nào tốt thì ngân hàng chủ động tăng hạn mức. Đối với các khách hàng có cơ hội hồi phục, ngân hàng cũng mạnh dạn cơ cấu lại theo Thông tư 02. Với nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại, ngân hàng tập trung thu hồi nợ.

Tính từ năm 2023 đến nay, tổng số nợ thu hồi thuộc nhóm khách hàng này khoảng 8.000 tỷ đồng, việc này là bắt buộc để bảo vệ tính lành mạnh của danh mục. “ABBANK rất mong muốn tăng trưởng tín dụng, rất may phần tăng trưởng mới không phát sinh nợ xấu, từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Việc chọn lựa đúng khách hàng, chấm điểm khách hàng góp phần vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Tổng danh mục đến nay, ABBANK tăng trưởng âm 10,88%. Nhưng chúng tôi thấy rất may mắn là thu hồi được nợ xấu,” ông Hiếu chia sẻ thêm. Cũng theo ông Hiếu, dự kiến đến khoảng tháng 7/2024, ABBANK sẽ tăng trưởng dương trở lại và cam kết đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.

Như vậy, nửa năm 2024 đã qua đi, nền kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm được đánh giá sẽ có những khó khăn, thách thức và cả thời cơ, thuận lợi đan xen. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng cũng đặt quyết tâm rất lớn để tăng trưởng tín dụng đạt được như mục tiêu đã đề ra.

Như nhìn nhận của Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, Agribank sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thủy sản);...

Còn theo Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, BIDV sẽ tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tích cực tổ chức đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15% và từ tháng 12/2023, đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng chủ động. Qua quá trình theo dõi, giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu sẽ chủ động điều chuyển cho ngân hàng có điều kiện, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian tới. “Việc điều chuyển chỉ tiêu nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, kiểm soát vĩ mô, cũng như bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và không phụ thuộc vào câu chuyện xin cho của các ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.