Hướng tín dụng xanh đến tăng trưởng bền vững

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tăng trưởng bền vững là bước đi tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khai thác và sử dụng hiệu quả các yếu tố nguồn lực như thế nào để phát triển kinh tế xanh như một động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngoài yếu tố cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, thì yếu tố vốn tín dụng của ngân hàng đã và đang giữ vai trò vô cùng quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình “xanh hóa” của nền kinh tế. Tính đến ngày 31/3, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ chỉ 71 nghìn tỷ đồng.

Tăng dần tỷ trọng cho vay

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đã có hơn 60% các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh, đặc biệt có khoảng 30% các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lên đến 1.000 tỷ đồng. Sau 9 năm, dư nợ cho chương trình tín dụng xanh tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%. Nếu đánh giá so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế, tín dụng xanh đã tăng gấp 7 lần. Đáng chú ý, trong 637 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 47%, nông nghiệp xanh khoảng 32%, nước sạch cho đô thị nông thôn khoảng 11% và phần còn lại dành cho lâm nghiệp. Tín dụng trung dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh.

Trong quá trình triển khai thực tiễn, nhiều ngân hàng đã nâng dần mức dư nợ cho chương trình tín dụng xanh. Đơn cử như với Agribank, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Agribank cho biết, trong những năm qua, Agribank đã tích hợp phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng, đồng thời luôn đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc, bảo đảm đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể.

“Với lợi thế là ngân hàng có gần 2.300 chi nhánh, vốn tín dụng của Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, huyện đảo, vùng sâu vùng xa góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Hiện Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải”, bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ. Thực tế triển khai như vậy cũng đã dẫn đến kết quả Agribank liên tục nhiều năm liền được bình chọn là Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng tiêu biểu về tín dụng xanh. Ngay từ năm 2016, Agribank đã tiên phong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm.

Trong khi đó, đánh giá về giải pháp của Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng xanh góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhìn nhận: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tín dụng xanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các đề án, chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nâng cao nhận thức

Có thể thấy, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một bước đi tất yếu để Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, việc triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bởi tại Việt Nam, đây đều là những mô hình kinh tế mới, hành lang pháp lý cho các mô hình này chưa hoàn thiện, nhận thức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực tài chính có hạn cũng là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã có những chính sách khuyến khích cho vay các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nhưng như phân tích của Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, dù được đề cập nhiều, nhưng vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có. Ở một khía cạnh khác, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu cần thiết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ của vòng đời sản phẩm.

“Việt Nam còn gặp khó khăn về cả thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho kinh tế tuần hoàn. Mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định tương đối đầy đủ để phát triển thị trường tái chế chất thải rắn, nhưng thị trường này vẫn chưa được hình thành đầy đủ do thiếu những cơ chế, chính sách liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất; các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm tái chế…”, bà Minh cho hay.

Tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Cam kết này đã gửi đến cộng đồng quốc tế một tín hiệu rõ ràng về định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp và bền vững.

Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đã chỉ ra 5 lĩnh vực cần ưu tiên tăng trưởng xanh, đó là: Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60% khí phát thải nhà kính toàn cầu, theo UB Habitat); chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải nhà kính là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng); gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển).

Trong khi đề cập đến các ngành, lĩnh vực ưu tiên, Tiến sĩ Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại cho rằng, cần tiếp cận theo hướng khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội đổi mới sáng tạo áp dụng kinh tế tuần hoàn nhưng cần tập trung vào các ngành lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng và cấp bách cho bảo vệ môi trường như nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến chế tạo, chất thải, giao thông, năng lượng,…

“Chúng ta nên thiết lập lộ trình phù hợp với các trụ cột chính cần tập trung, bao gồm: nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn”, Tiến sĩ Mạnh đề xuất.

Và cuối cùng, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững, để từ đó thu hút nhiều hơn nguồn lực vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, cần thiết phải tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng về xây dựng lối sống xanh, ý thức và thói quen phân loại rác thải, tạo lập văn hóa sản xuất và tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.