Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Theo số liệu công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, tính đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn được ưu tiên cho phát triển sản xuất. Ảnh: NAM ANH
Dòng vốn được ưu tiên cho phát triển sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tín dụng chững lại xảy ra tại nhiều ngân hàng và toàn hệ thống do tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết Nguyên đán thì tín dụng không tăng. Ngoài ra, khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại.

“Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ “room” tín dụng toàn bộ ngay từ đầu năm, rất rộng rãi. Tín dụng giảm trong tháng 1 không phải do cơ chế chính sách”, Phó Thống đốc khẳng định.

Nhu cầu vay vốn vẫn cao

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối thuận lợi do có doanh nghiệp đã được thụ hưởng những chính sách và giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và Quốc hội ban hành trong năm 2023.

“Trong tháng đầu tiên của năm, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thị trường so với cùng kỳ năm ngoái tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có nhiều khởi sắc do sức mua từ thị trường quốc tế đã có sự mở rộng hơn đối với hàng hóa của Việt Nam nhờ lợi thế cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hải quan và thuế và các hiệp định thương mại song phương và đa phương với 17 hiệp định đã có hiệu lực”, ông Mạc Quốc Anh nêu rõ.

Với những tín hiệu này, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn, đặc biệt là nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp ngày càng tăng cao nhằm đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh vào bán hàng thông qua các kênh phân phối thương mại truyền thống - trực tuyến. Cùng với đó, để mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư vào các hệ thống văn phòng đại diện, logistics, thương hiệu và lương cho nguồn nhân lực mới. Tất cả những việc này cần một nguồn vốn rất lớn.

Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương xứng so với mức giảm của lãi suất huy động và vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả, nên cộng đồng doanh nghiệp đang phải “đắn đo” trong việc vay vốn của ngân hàng. Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn tương đối thận trọng khi cho các doanh nghiệp vay, đặc biệt với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm và chưa có phương án kinh doanh khả thi.

“Các ngân hàng lo ngại khi cho vay với các dự án có rủi ro thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng khiến đánh giá tín dụng của ngân hàng sẽ bị thấp đi và sẽ không được nới room nên họ thận trọng khi đưa vốn ra”, ông Mạc Quốc Anh nêu rõ.

Hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên

Trước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế còn dự báo nhiều khó khăn, ông Mạc Quốc Anh cho hay, các doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại (NHTM) cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Cùng với đó, NHNN cần tiếp tục rà soát kiểm tra đôn đốc để làm sao cho các ngân hàng áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị, vào hoạt động xem xét hồ sơ cấp tín dụng. Như vậy, sẽ giảm các chi phí quản lý của ngân hàng sẽ gián tiếp giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

“Đây là các yếu tố tích cực để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tập trung vào những giải pháp cụ thể, có thể định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo chỉ đạo của Chính phủ. Các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành ngân hàng cũng định hướng nắn dòng vốn vào các lĩnh vực, dự án xanh; vốn cho các ngành hàng thiết yếu của nền kinh tế và vốn cho nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.

Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN cũng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với những ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các dự án trọng điểm, động lực tăng trưởng.

Riêng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được thực hiện theo Thông tư 02/2023. Trong trường hợp cần thiết thì gia hạn thực hiện Thông tư 02 nhưng vấn đề là thêm sáu tháng hay một năm phải được xem xét kỹ. Việc tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cần bảo đảm đúng quy định.

“Quan điểm là gia hạn trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhưng cũng vừa kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách; không che giấu nợ xấu, không đẩy rủi ro mất vốn của NHTM về tương lai”, ông Tú lưu ý.