Là một nhà văn, nhưng cũng là một nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, nhà báo, Risto Isomaki đã có tới hơn 12 tiểu thuyết và hơn 20 tác phẩm phi hư cấu về môi trường và xã hội.
Ông từng được trao 8 giải thưởng văn học khác nhau của Phần Lan vào các năm 1992, 1995, 1998, 2006, 2009. Năm 2005, tiểu thuyết giả tưởng “Sa mạc cát Sarasvatti” (Sarasvatin hiekkaa) của ông được đề cử giải thưởng văn học danh giá nhất Phần Lan - Finlandia.
Năm 2009, cuốn sách tranh dựa trên “Sarasvatin hiekkaa” của Risto Isomaki nhận được giải thưởng Finlandia dành cho thể loại sách tranh. Tác phẩm phi hư cấu mới nhất “Hồi ức của người chữa lành thế giới” (Maailmanparantajan muistelmat) ra mắt bạn đọc tháng 6/2023 là 1 trong 5 cuốn sách phi hư cấu được bạn đọc Phần Lan tìm đọc ngay khi sách được xuất bản.
Tiểu thuyết "Con rít". (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) |
“Con rít” là tiểu thuyết thứ 7 của Risto Isomaki. “Con rít” là cuốn tiểu thuyết giả tưởng ly kỳ, đầy gay cấn về sinh thái biển, trong đó một phần mạch truyện đề cập cả đến những mối đe dọa do việc nóng bầu khí quyển gây ra. Bên cạnh đó, tiểu thuyết cũng nêu ra một câu hỏi, phải chăng những truyền thuyết thông thường được lan truyền khắp các lục địa về loài rắn khổng lồ đầu có mào sinh sống trong đại dương đều bắt nguồn từ những quan sát đích thực?
Cuốn sách xoay quanh cuộc tìm kiếm một sinh vật biển kỳ lạ đã chết, xác dạt vào Vịnh Hạ Long của Martti Ritola, nhà nghiên cứu sinh vật biển nổi tiếng thế giới.
Camilla Norrstrand, mối tình đầu của Martti, người thừa kế duy nhất của dòng họ triệu phú vừa cùng lúc gặp nhiều chuyện buồn. Để giúp bản thân thoát khỏi những u uất đó, chị sẵn sàng trả mọi chi phí cho chuyến thám hiểm của Martti đến Vịnh Hạ Long và chính chị cũng sẽ cùng tham gia. Nhưng có một trở ngại là nguồn tài chính của chị liên quan mật thiết đến một công ty tư vấn có hoạt động thúc đẩy việc triệt phá những cánh rừng nhiệt đới ở Indonesia và gây ra những vụ cháy than bùn lớn ở đây. Hoàn cảnh trớ trêu này đã tạo nên những căng thẳng giữa Martti và Camilla.
Martti, Camilla cùng các cộng sự người Việt của Martti trang bị tàu thuyền và bắt đầu tìm xác con vật đã bị cuồng phong cuốn xuống đáy vịnh Hạ Long. Chuyến thám hiểm đầy hấp dẫn và lý thú nhưng các thành viên trong đoàn cũng phải đương đầu với không ít hiểm nguy…
Risto Isomaki cho biết, ý tưởng về tiểu thuyết được hình thành khi ông tìm thấy trong cuốn sách du lịch Việt Nam của vợ mình một câu chuyện kể về một sinh vật biển khổng lồ có tên Tarasque bơi trong Vịnh Hạ Long. Bắt tay vào tìm hiểu, Risto Isomaki được biết đây là tên của một sinh vật huyền thoại khổng lồ vào thời Trung cổ ở châu Âu. Còn người Việt Nam gọi sinh vật này là “con rít”, nghĩa là con rết, vì hai bên thân nó có một hàng dài những cái vây ba cạnh.
Tìm hiểu trong các thư tịch cổ cũng như hệ thống tượng đá, tượng thờ của người Maya và Aztec ở Mexico, Risto Isomaki nhận thấy rằng, các dân tộc cư ngụ dọc bờ biển Bắc, Trung và Nam Mỹ đã mô tả chính xác về mặt giải phẫu học một loài sinh vật có hình rắn sống trong biển, giống như các dân tộc ở dọc bờ biển châu Á.
Tác giả cũng chia sẻ, tất cả những đoạn trích liên quan đến con rít và các loài sinh vật biển bí ẩn trong tác phẩm đều được trích dẫn nguyên bản, và ngoại lệ duy nhất là mẩu báo nhân vật Hoa gửi cho nhân vật Maritti ở đầu câu chuyện, nhưng cũng được viết lại trên một mẩu tin có thật trên báo Việt Nam năm 1883 (Tờ Gia Định báo là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, xuất bản từ năm 1865). Cái tên tiểu thuyết “Con rít”, theo Risto Isomaki, không có từ nào mô tả rõ hơn những gì mà ông đã chứng kiến trong các thư tịch cổ.
Là một nhà nghiên cứu, và cũng là nhà hoạt động môi trường, Risto Isomaki rất chú trọng đến vấn đề môi trường. Chính vì thế, bên cạnh việc nghiên cứu rất kỹ các thư tịch cổ liên quan đến sinh vật khổng lồ này, Risto Isomaki còn đưa vào những thông điệp về môi trường, như sự nóng lên của Trái đất, khí thải và chất thải cũng như những ảnh hưởng của chúng đến môi trường.
Tiểu thuyết "Con rít". (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) |
Đây là tác phẩm nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan. Dịch giả Bùi Việt Hoa là người chuyển ngữ cuốn sách. Tuy nhiên, người đầu tiên tiếp xúc và đem cuốn sách này về lại là con gái chị, Võ Quỳnh Lê, với gợi ý mẹ dịch cuốn sách. Năm 2022, trong cuộc gặp gỡ tại nhà riêng Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ngài Đại sứ Keijo Norvanto ngỏ ý mong muốn dịch giả sẽ có một hoạt động gì đó đóng góp vào chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm, và “Con rít” chính thức được dịch giả Bùi Việt Hoa chuyển ngữ.
Dịch giả Võ Xuân Quế, chồng của dịch giả Bùi Việt Hoa cho biết, anh là người đầu tiên đọc bản thảo, và nhận thấy tác giả đã dành sự tôn trọng tuyệt đối cho những thông tin mà ông có được về sinh vật huyền bí này. “Tên sách nguyên bản là ‘Rit”, giống với từ con rít của Việt Nam, chỉ không có dấu sắc. Tác giả đã nghiên cứu ngôn ngữ và biết được cả phương ngữ của Việt Nam” = dịch giả Võ Xuân Quế cho biết.
Sang Việt Nam, ngoài việc giao lưu với độc giả Việt Nam chung quanh cuốn tiểu thuyết “Con rít” và gặp gỡ các nhà xuất bản để tìm kiếm cơ hội hợp tác với dự án xuất bản 100 cuốn sách khoa học với các chủ đề y tế, giáo dục, môi trường…, Risto Isomaki còn bày tỏ mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác, chuyển thể cuốn sách của mình thành phim. “Vì thần thoại về sinh vật khổng lồ giống rắn ở biển là điểm chung của nhiều cư dân trên khắp thế giới, nên việc sản xuất một series truyền hình ngắn tập hay một phim điện ảnh về đề tài này là hoàn toàn có thể, chưa kể nó sẽ hấp dẫn hàng triệu người ở nhiều khu vực, lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới. Nếu dự án này thành công, sẽ có lợi cho Việt Nam khi loài sinh vật đặc trưng trong văn hóa bản địa của các bạn được biết đến toàn cầu với cái tên tiếng Việt nguyên bản của nó” - Risto Isomaki bày tỏ.