Tiết kiệm để bảo đảm đủ điện, nước trong mùa nắng nóng

Theo dự báo, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cho tình trạng nắng nóng, hạn hán đang ảnh hưởng đến các hồ thủy điện, gây khó khăn trong công tác cung cấp điện cũng như có thể gây thiếu hụt lượng nước cung cấp cho sinh hoạt của người dân. Để bảo đảm cung cấp điện, nước sinh hoạt, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của người dân và toàn xã hội, nhất là việc nâng cao ý thức tiết kiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty điện lực Kon Tum kiểm tra cấu hình các thiết bị trên trạm điện, bảo đảm cấp điện an toàn trong mùa nắng nóng. (Ảnh: BẢO CHÂU)
Công nhân Công ty điện lực Kon Tum kiểm tra cấu hình các thiết bị trên trạm điện, bảo đảm cấp điện an toàn trong mùa nắng nóng. (Ảnh: BẢO CHÂU)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến thời điểm này, có 11 trong số 47 hồ thủy điện lớn có mực nước về mực nước chết, hoặc gần mực nước chết, bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4. Có 21 trong số 47 hồ thủy điện lớn dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.

Các hồ thủy điện khu vực miền bắc, tất cả 12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5). Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% lượng nước trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Mặc dù, mực nước tại các hồ thủy điện đang ở mức thấp, nhưng nhu cầu sử dụng điện vẫn đang có xu hướng tăng cao, nhất là vào các tháng 5, 6 và 7, thời điểm được dự báo là nắng nóng nhất trong năm nay.

Ngay trong đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ đã tăng ở mức kỷ lục. Trong đó, riêng ngày 6/5, nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Cùng với những khó khăn trong sản xuất và cung ứng điện, hoạt động sản xuất và cung ứng nước sinh hoạt cho người dân trong mùa nắng nóng năm nay cũng đang gặp nhiều thách thức. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước sạch từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngày, đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng nước của người dân khoảng 1.250.000-1.350.000m3/ngày, đêm, nhưng khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị.

Theo dự báo, trong thời điểm nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao có thể khiến một số khu vực ở Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoài Đức, Quốc Oai… có thể thiếu nước cục bộ do nguồn cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước hoặc gián đoạn cấp nước.

Theo nhận định, với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước có thể tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cung cấp điện, nước sinh hoạt. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ, EVN đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.

Trong đó, các địa phương tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR). Các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 5% so với cùng kỳ.

Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 50% so với cùng kỳ. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Các địa phương chỉ đạo, thông báo đến các khách hàng sản xuất công nghiệp, nhất các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực; Tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26oC.

Theo các chuyên gia về năng lượng, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ nhu cầu của cuộc sống, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả là biện pháp quan trọng và là việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Trên thực tế, hiện nay nhiều người vẫn còn thiếu kiến thức và ý thức trong việc sử dụng các thiết bị điện dẫn đến lãng phí, như bật đèn và các thiết bị điện không cần thiết, rút phích cắm các thiết bị điện tử khi không sử dụng; vệ sinh thường xuyên các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh...