Bộ trưởng Nội vụ:

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các điểm trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

NDO - Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 4/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 4/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 4/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, trong đó vấn đề thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi.

Việc giao biên chế trước mắt vẫn cần căn cứ trên cơ sở định mức

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu rõ việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cũng có chung băn khoăn khi cho rằng, mặc dù Bộ Chính trị đã có quyết định giao bổ sung 65.850 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022-2026, nhưng năm học 2022-2023 vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các tỉnh, thành phố có số lượng học sinh tăng cao.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hằng năm, mà chỉ thẩm định biên chế để các địa phương căn cứ vào đó thông qua Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Viên chức.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất tham mưu cho Chính phủ báo cáo với cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế viên chức, nhất là biên chế viên chức giáo dục để đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên, nhưng phải bảo đảm hợp lý và theo định mức.

Năm học 2021-2022, số lượng viên chức giáo dục được xác định là thiếu 65.980 người. Trên cơ sở định mức Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, Bộ Nội vụ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để giao biên chế giáo dục giai đoạn 2022-2026.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các điểm trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh trước mắt, việc giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức, nếu căn cứ theo điểm trường thì rất khó thực hiện. Đồng thời, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối.

“Nhiều tỉnh thực hiện rất tốt. Một số tỉnh miền núi phía bắc thực hiện rất quyết liệt vấn đề này. Có tỉnh giảm 700-800 điểm trường, đưa con em đồng bào dân tộc về trung tâm học ở trường bán trú, không những cải thiện được chất lượng mà còn giảm được biên chế”, Bộ trưởng cho hay.

Tư lệnh ngành nội vụ nhấn mạnh thời gian tới, trong tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương để phân bổ tiếp số còn lại của biên chế ngành giáo dục đã được Bộ Chính trị giao cho giai đoạn 2022-2026.

Khẩn trương tuyển hết chỉ tiêu cũ, tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới

Giải trình bổ sung về định mức biên chế của ngành giáo dục và tình trạng thiếu nguồn để tuyển giáo viên ở các địa phương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhu cầu giáo viên từ nay đến năm 2026 là 107 nghìn, chỉ tiêu được duyệt bổ sung là hơn 65 nghìn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, con số 107 nghìn là ngành giáo dục tính theo thực tế, tức là các vùng miền núi, các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn, số học sinh sẽ ít hơn. Có lớp chỉ có 5-7 học sinh, thậm chí còn ít hơn nhưng vẫn phải duy trì các điểm trường theo tinh thần ở đâu có học trò ở đó có giáo viên. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa vùng nông thôn, miền núi và tỷ lệ học sinh vùng đô thị còn lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh một trong các khâu cần giải quyết để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là phải rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Vấn đề này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện trong 2 năm qua và thu được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn cần phải tiếp tục thực hiện vì việc rà soát, sắp xếp ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương còn có điểm khác nhau.

Kết quả sơ kết năm 2021 cho thấy, có địa phương đã làm tốt nhưng vẫn còn một số địa phương làm chưa được hiệu quả. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp không nên máy móc, cứng nhắc mà cần linh hoạt, không vì sắp xếp giảm điểm trường mà bỏ qua mục tiêu hàng đầu là bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh và môi trường thuận lợi nhất để các giáo viên thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các điểm trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng cho biết, mặc dù ngành giáo dục được phân bổ thêm 65 nghìn chỉ tiêu biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, tuy nhiên hiện nay một số tỉnh, thành phố vẫn còn lượng chỉ tiêu cũ chưa tuyển hết, chẳng hạn tỉnh Đắk Lắk còn còn 2.358 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển, trong khi năm 2022 được phân bổ thêm 243 chỉ tiêu nữa. Theo Bộ trưởng, nếu tuyển hết số chỉ tiêu này cũng đã giải quyết được khá cơ bản việc thiếu giáo viên; cho nên một trong những giải pháp hiện nay là khẩn trương tuyển hết chỉ tiêu cũ, đồng thời tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.

Để có được nguồn tuyển giáo viên tốt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập một số giải pháp như: nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, chỉ tiêu, ngành đào tạo các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai Nghị định 116, việc thực hiện đặt hàng các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Có thực trạng là nhiều địa phương không dám đặt hàng với nhiều lý do khác nhau. Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát các nội dung liên quan Nghị định 116 để tạo điều kiện cho các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.

Cùng với đó, để ngăn giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, Bộ cũng sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để bảo đảm đời sống cho các giáo viên. Đồng thời, tiến hành cải thiện mạnh mẽ môi trường làm việc, cũng như hỗ trợ về mặt chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.