Ngay từ những trang đầu cuốn sách, Tổng Bí thư đã chỉ rõ tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Còn tại Việt Nam, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Do vậy, nếu chỉ chống tham nhũng tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà phải phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng. Tổng Bí thư cũng chỉ ra mối quan hệ “cộng sinh” trong tham nhũng: tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.
Từ nhận thức mới này, Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với bước đi, lộ trình phù hợp, từ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đến hoàn thiện thể chế.
Trung ương đã ban hành nhiều quy định mới về công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát quyền lực,... Thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đó sẽ bảo đảm được “bốn không”: không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Mới đây, tại Phiên họp thứ 24, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương; góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thì tình trạng vi phạm pháp luật và tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra trên một số ngành, lĩnh vực. Việc tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Tại một số địa phương, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng chưa được chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để.
Trong nhiều nguyên nhân có việc nhận thức về tham nhũng, tiêu cực và ý thức phòng chống tham nhũng, tiêu cực của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, trách nhiệm, dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai còn lúng túng, chưa quyết liệt, hiệu quả.
Trước thực tế ấy, tôi đồng tình cao với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là những nhận thức mới. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải bám sát tư tưởng chỉ đạo của Trung ương cũng như của đồng chí Tổng Bí thư về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cá nhân, đồng thời thường xuyên quán triệt sâu rộng đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc là cơ sở quan trọng để mỗi người có trách nhiệm hơn, chủ động, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần vào hiệu quả đấu tranh chung của địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị.