Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhiều phân tích đã chỉ rõ những phẩm chất cao quý của người cách mạng. Phần hai của cuốn sách với các bài viết, bài phát biểu của người đứng đầu Ðảng ta về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tôi thấm thía việc rất cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời, thường xuyên “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”

Tác giả cuốn sách đã chỉ rõ các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, đồng thời khẳng định, mọi thành bại suy cho cùng đều do con người. Sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Từ đó nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ.

Nghiên cứu kỹ những bài viết trong cuốn sách, tôi càng thấy rõ việc “tự soi, tự sửa” thật sự là giải pháp quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ðể thực hiện giải pháp này, tổ chức cơ sở đảng cần sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo giúp cán bộ, đảng viên khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm. “Tự soi, tự sửa” là việc từng cán bộ, đảng viên có ý thức thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ, tu dưỡng, rèn luyện, nhất là về đạo đức, lối sống, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Các tổ chức cơ sở đảng cũng “tự soi, tự sửa” trong thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, tạo môi trường tốt để mỗi đảng viên phát huy tính tự giác. Khi có một tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất, các đảng viên sẽ chân thành và cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, quan tâm nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí. Có như vậy thì mọi khuyết điểm, dù nhỏ nhất cũng được mọi người chia sẻ để cùng nhau khắc phục. Trong môi trường tốt đó, người đảng viên không ngại nhận rõ khuyết điểm của bản thân, hơn thế, còn mong được mọi người giúp mình tiến bộ, trưởng thành hơn.

Một chi bộ tốt thì các buổi sinh hoạt của chi bộ cần chú trọng tính hiệu quả, thực chất nhằm tạo sức lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc học tập, rèn luyện, “tự soi, tự sửa”. Trong sinh hoạt chi bộ, các nội dung thiết thực, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và từng cá nhân. Khi “tự soi, tự sửa” chỉ ra những yếu kém, cấp ủy có giải pháp giúp đảng viên sớm khắc phục.

Những năm gần đây, Ðảng ta đã có nhiều giải pháp thực hiện nghiêm minh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng. Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XIII của Ðảng đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công khai hàng chục thông báo kết luận của các kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Ðảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Ðáng chú ý, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng xảy ra từ lâu đã được kiểm tra, xử lý dứt điểm, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản, đầu tư công; những vụ việc vi phạm mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời như các vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, như vụ “chuyến bay giải cứu”, vụ Công ty Việt Á...

Từ những vụ việc nghiêm trọng đã bị phát hiện và xử lý, càng đặt ra yêu cầu phải làm tốt hơn nữa việc “tự soi, tự sửa”, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.