Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh “sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn” trong thời gian tới. Tổng Bí thư chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo Tổng Bí thư, cần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm...

Cùng với đó là việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng mới. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp xử lý sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở...

Đi đôi với đòi hỏi ngày càng cao đối với hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặt ra yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của bất kỳ ai.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư, mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành hai quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định số 131-QĐ/TW); trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định số 132-QĐ/TW).

Các quy định mới được ban hành nhằm sử dụng các cơ chế, biện pháp để bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các quy định nêu trên thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, triệt để, ngăn chặn ngay từ các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các quy định mới được ban hành nhằm sử dụng các cơ chế, biện pháp để bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung các quy định thể hiện sự cập nhật kịp thời thực tế công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khi qua thực tế các vụ án xảy ra thời gian gần đây, đã có nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng bị xử lý kỷ luật, truy tố vì hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Đáng tiếc, đó không phải là hiện tượng cá biệt, mà đã xảy ra trong nhiều lĩnh vực thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử... với hành vi và mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Theo báo cáo sơ kết một năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, các ban chỉ đạo đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Trong đó, xử lý kỷ luật 15 tổ chức đảng, gần 80 cán bộ, công chức trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cập nhật từ tình hình thực tế, các quy định đã kịp thời chỉ rõ những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, làm căn cứ xác đáng để xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; đồng thời xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Với các quy định vừa được ban hành, có sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng tới khắc phục triệt để tình trạng: “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” như Tổng Bí thư đã nhắc nhở nhiều lần tại các hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Nguyễn Văn Trường Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra
Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn