Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI diễn ra trong hai ngày 28 và 29/10, thu hút hơn 500 đại biểu trong nước, hơn 100 đại biểu quốc tế tham gia trực tuyến; hơn 400 tham luận, báo cáo khoa học từ các học giả trong và ngoài nước tập trung vào 11 chủ đề chính.
PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho biết: Với tư cách một ngành khoa học, Việt Nam học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình đi lên của dân tộc. Các tiểu ban của Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI đề cập đến rất nhiều phương diện cụ thể của Việt Nam học, song tựu trung vẫn đi đến trả lời câu hỏi về đặc tính của dân tộc, phẩm chất của dân tộc, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Việt Nam học là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cầu nối giữa nước ta với khu vực và thế giới.
Ông khẳng định thêm, Việt Nam học nghiên cứu không chỉ trí tuệ, mà cả ý chí, tâm hồn Việt Nam, nghiên cứu quá khứ và hiện tại để góp phần hun đúc trái tim, khối óc người Việt trong tương lai. Đây cũng là dịp để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến Việt Nam cũng như những thành quả phát triển của Việt Nam ngày nay.
GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Sau mỗi kỳ hội thảo về Việt Nam học trước đó, những hiểu biết về Việt Nam ở trong nước và trên thế giới được nâng lên một tầm cao mới. Mạng lưới Việt Nam học quy tụ thêm nhiều chuyên gia, triển khai nhiều hơn các hoạt động học thuật. Các kênh giao lưu, hợp tác khoa học tiếp tục được củng cố và mở rộng. Từ những việc thống nhất chương trình dạy tiếng Việt tại các quốc gia, đến hình thành mạng lưới, các nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu theo từng lĩnh vực, chủ đề, hay nghiên cứu liên ngành về Việt Nam học.
Bên cạnh những thu hoạch về chuyên môn, kết quả của các kỳ Hội thảo còn có rất nhiều đề xuất, đóng góp liên quan đến việc hoạch định những chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam. Đó là những đóng góp thiết thực phục vụ công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các nhà khoa học tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức.
Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.