Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Sự đổi mới nhận thức lý luận và cụ thể hóa những đặc trưng và đặc thù của mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được ghi nhận trong các văn kiện đại hội đại biểu Ðảng toàn quốc suốt nhiều thập kỷ qua, tập trung trong kỳ Ðại hội lần thứ XII và đang tiếp tục được hoàn thiện và làm sâu sắc hơn trong các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng (dưới đây viết tắt là Dự thảo)…

Trước hết, điểm mới nổi bật của Dự thảo là sự kế thừa, củng cố, làm sâu sắc và nâng cao toàn diện hơn nhận thức về mô hình phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.

Trong khi tiếp nhận, khẳng định lại những đặc trưng căn bản mô hình KTTT định hướng XHCN được ghi nhận trong Báo cáo Chính trị Ðại hội XII, với những điểm nhấn đặc trưng chung của KTTT mang tính hiện đại và hội nhập quốc tế, Dự thảo khẳng định và làm rõ hơn những nét đặc thù quan trọng trong mô hình KTTT định hướng XHCN là: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Ðiểm mới quan trọng mang tầm chiến lược của Dự thảo là khẳng định dứt khoát: Phát triển KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Ðây là thông điệp mới, coi xây dựng KTTT định hướng XHCN là một quá trình dài và việc nhấn mạnh yêu cầu "bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước" là cần thiết, tạo sự linh hoạt và vận dụng hiệu quả nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn của Ðảng trước mọi biến động nhanh, khó lường của thế giới. Ðây cũng là thông điệp khẳng định sự nhất quán trong nhận thức chính trị nói chung của Ðảng ta về định hướng nội dung và mục tiêu con đường đổi mới, hội nhập của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với thực tiễn trong nước và xu hướng chung trên thế giới.

Dự thảo phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Ðiểm mới quan trọng là lần đầu tiên Dự thảo mở rộng, nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, thay vì chỉ có quan hệ Nhà nước với thị trường trong văn kiện các kỳ Ðại hội trước đây; nhấn mạnh nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, áp dụng quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu chủ yếu và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo yêu cầu thị trường. Việc tuân thủ các nguyên tắc này là phổ quát và cần thiết để Việt Nam được các thành viên WTO và các đối tác thế giới công nhận là nền KTTT trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới.

Ðồng thời, Dự thảo nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật…

Tuy nhiên, để toàn diện và đồng bộ hơn, tránh khoảng trống, lúng túng và cực đoan trong nhận thức lý luận và thực tiễn kinh tế, thì về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong Dự thảo nên xem xét, bổ sung ba điểm sau:

Thứ nhất, bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước (nhất là loại hình 100% vốn nhà nước) không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, cần bổ sung nguyên tắc "Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của KTTT" thành đầy đủ là "Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của KTTT, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết". Ðiều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, phòng tránh lợi ích nhóm từ việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân (thí dụ trong trường hợp đi ngược quy trình thị trường, cho phép tự do hóa giá cả trước khi tự do hóa cạnh tranh thị trường về kinh doanh xăng dầu).

Thứ ba, bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ, vốn thuộc bản chất của KTTT (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội…), mà thực tiễn kinh tế vĩ mô đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy.

Bên cạnh việc thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT định hướng XHCN, Dự thảo nêu yêu cầu tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT định hướng XHCN, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn và tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Về các khía cạnh này, có nhiều điểm mới tích cực đáng ghi nhận trong Dự thảo, như: Nhấn mạnh cả hai yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác.

Lần đầu tiên, Dự thảo nêu rõ yêu cầu: Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; Tăng cường đào tạo cán bộ… có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế… Tất cả những điểm mới này là sự phát triển, bổ sung, cụ thể hóa cần thiết những nhận thức về nội dung, yêu cầu cơ chế nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta cả hiện tại và tương lai.

Thực tế ghi nhận và đòi hỏi cần tiếp tục củng cố và thống nhất những nhận thức mới, đầy đủ và sâu sắc hơn về mô hình phát triển KTTT định hướng XHCN của Việt Nam. Xây dựng thành công mô hình KTTT định hướng XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam, là cơ chế bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới. Bảo đảm Việt Nam giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế; củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội. Không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế. Tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh. Xây dựng và phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

TS NGUYỄN MINH PHONG