Tiếp tục hoàn thiện chính sách trong quản lý giá

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kể từ khi được ban hành tới nay, Luật Giá đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá, khuyến khích cạnh tranh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan, bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá phù hợp với các cam kết quốc tế...
0:00 / 0:00
0:00
Cần hoàn thiện chính sách quản lý giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. (Ảnh NGỌC MAI)
Cần hoàn thiện chính sách quản lý giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. (Ảnh NGỌC MAI)

Công tác quản lý, điều tiết giá được thực thi hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo đã giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (liên tiếp trong tám năm từ 2014 đến 2021, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định: Bên cạnh các kết quả tích cực trên, quá trình thực hiện Luật Giá cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong các quy định tại Luật Giá cũng như tại các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến lĩnh vực giá. Trước hết, đối với biện pháp định giá, việc phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm định giá còn chưa rõ, thiếu đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực.

Một số trường hợp quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá cụ thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, rất khó xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu; hệ thống phương pháp định giá còn phân tán, chưa quy định rõ việc áp dụng phương pháp định giá chung và phương pháp định giá chuyên ngành; các hình thức định giá cần kiện toàn để đáp ứng những phát sinh trong thực tiễn.

Mặt khác, thực tế khi xây dựng các luật chuyên ngành đã có những quy định liên quan đến định giá nhà nước dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo (hiện qua rà soát có hơn 20 luật, nghị định có các quy định chồng chéo với Luật Giá như Luật Giao thông đường bộ, Luật Nhà ở, Luật Thủy lợi, Luật Hàng không dân dụng…).

Đối với biện pháp bình ổn giá, các quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, phạm vi thực hiện và biện pháp bình ổn giá chưa thật sự linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là phải triển khai bình ổn giá trong các bối cảnh khẩn cấp (thí dụ giá mặt hàng thịt lợn trong giai đoạn 2019-2020, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch trong giai đoạn dịch Covid-19).

Công tác hiệp thương giá phát sinh vướng mắc, bất cập về phạm vi áp dụng và giá trị pháp lý của mức giá hiệp thương. Chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá...

Thêm vào đó, dịch vụ thẩm định giá thời gian vừa qua đã có hiện tượng phát triển nóng về số lượng doanh nghiệp. Cụ thể: Năm 2015 cả nước mới có 184 doanh nghiệp thẩm định giá nhưng đến đầu năm 2022 đã có gần 300 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và đang hoạt động.

Cùng với sự phát triển nóng về số lượng, chất lượng cung cấp dịch vụ thẩm định giá có dấu hiệu suy giảm, một số doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá đã có những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Việc quy định thêm những điều kiện đối với hoạt động thẩm định giá tại các luật chuyên ngành cũng làm phát sinh thêm những khoản chi phí tuân thủ cho xã hội không cần thiết (như việc quy định về chứng chỉ định giá đất tại Luật Đất đai, chứng chỉ về tư vấn xác định giá công nghệ tại Luật Chuyển giao công nghệ...).

Ngoài ra, hoạt động thẩm định giá của Nhà nước hiện cũng chưa rõ ràng trong phạm vi áp dụng, thẩm quyền thực hiện dẫn đến lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện.

Như vậy, yêu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập sau 9 năm thi hành Luật Giá để đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra hết sức bức thiết. Thực tế đòi hỏi Luật Giá (sửa đổi) phải bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Theo đó, Luật Giá mới phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Giá phải khắc phục được những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Vì vậy, các bên liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, người dân và nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Đồng thời, kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật Giá và các Luật chuyên ngành có quy định về giá còn phù hợp với thực tiễn; tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất; luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật đã ổn định...