Chủ đề của năm học mới 2023-2024 được ngành giáo dục và đào tạo đưa ra là "Ðoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa chủ đề đó.
Bước vào năm học mới, toàn ngành tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển. Năm học 2023-2024 đặt ra yêu cầu thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025".
Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với các lớp: 1, 2, 3 và 4 ở cấp tiểu học; lớp 6, 7, 8 ở cấp trung học cơ sở; lớp 10, 11 ở cấp trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Bên cạnh tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ xây dựng phương án thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện từ năm 2025. Phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách dạy và học ở cấp trung học phổ thông ở các địa phương, cơ sở giáo dục.
Một trong những khó khăn trong năm học mới 2023-2024 được xác định là tình trạng thiếu giáo viên các cấp, nhất là mầm non, tiểu học. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có để phối hợp Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.
Các địa phương cần tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các địa phương, cơ sở giáo dục cũng cần có giải pháp hiệu quả huy động nguồn lực hợp pháp đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết.
Tăng cường phòng, chống bạo lực học đường; hướng dẫn kỹ năng hỗ trợ, xử lý tình huống cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kỹ năng biết tự ứng phó, xử lý tình huống cho học sinh khi gặp các tình huống có liên quan đến bạo lực học đường. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ðẩy mạnh triển khai tự chủ đại học theo hướng đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; ổn định phương thức tuyển sinh...
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình. Ðồng thời, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương, kịp thời đề xuất các giải pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ðối với các địa phương, giám đốc sở giáo dục và đào tạo căn cứ kế hoạch và tình hình thực tiễn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2023-2024. Trong đó, lưu ý các giải pháp về bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.