Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công

NDO - Ngày 2/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Tài chính; Nguyễn Vĩnh Thanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành ở Trung ương, các học viện, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học…

Hội thảo nhằm sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiều kết quả tích cực

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đánh giá việc đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta đạt được những kết quả tích cực. Đảng và Nhà nước đã thực hiện khá hiệu quả việc xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước cung ứng dịch vụ công tập trung đầu tư phát triển các cơ sở công lập phục vụ những vùng khó khăn, người nghèo và bảo đảm những dịch vụ thiết yếu cơ bản như: giáo dục phổ cập; chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho đối tượng thụ hưởng...

Theo Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021, đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng…

Năm 2020, đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt trên 255 nghìn tỷ đồng; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm đạt trên 155 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021, đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế như: việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn; nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa thích nghi với cơ chế tự chủ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, còn mang tâm thế ỷ lại, kéo dài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động. Nhận thức của các bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong phối hợp tổ chức thực hiện chưa được thống nhất cao, vẫn còn có những điểm chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thiếu đồng bộ trong triển khai các chính sách quản lý nhà nước đối với những ngành, lĩnh vực cụ thể của dịch vụ công, như hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục; khả năng tự thích ứng còn thấp của các đơn vị sự nghiệp công lập trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa….

Các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo cũng đã cùng nhau trao đổi thảo luận làm rõ hơn quan điểm, đường lối và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về cung ứng dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đánh giá kết quả công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW như: quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị dịch vụ sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính; thực hiện cơ chế hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học,…

Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua, hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được hình thành và trải rộng khắp các địa bàn cả nước. Sau khi tinh gọn bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công, số lượng tổ chức cơ bản giảm, lượng công chức, viên chức giảm khá. Tuy nhiên việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế cần tháo gỡ; thậm chí một số nơi còn dẫn đến sai phạm. Gánh nặng ngân sách cho khối đơn vị sự nghiệp công ngày càng tăng lên. Mục tiêu xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công, nâng cao chất lượng dịch vụ công ở các đơn vị sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu…

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị trong công tác tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó nhằm nâng cao năng lực phát triển của quốc gia hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công trong cả nước, cần xác định rõ nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế để làm cơ sở cho việc đổi mới, cung ứng dịch vụ công, phân chia quyền lực và hình thành cơ chế phối hợp một cách hợp lý giữa các cơ quan các cấp.

Triển khai quyết liệt việc rà soát lại chức năng của các bộ, ngành đã được quy định tại các Nghị định theo hướng phân loại các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, hoạch định chính sách, cung ứng dịch vụ. Rà soát lại toàn bộ việc phân cấp nhiệm vụ cho các địa phương theo hướng cấp Trung ương chỉ giữ lại những nhiệm vụ mà địa phương không thực hiện được…

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Đỗ Ngọc An cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dự hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, có thể rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt chính sách về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập như:

Một là, công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống sự nghiệp công lập đã được các cấp, các ngành quán triệt một cách đầy đủ.

Hai là, xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Ba là, việc cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức hoạt động trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công trong cả nước đã từng bước được đổi mới và có những tiến bộ nhất định.

Bốn là, việc tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện nhiệm vụ này.

Năm là, thường xuyên, định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết.

Đồng chí nhấn mạnh, những ý kiến, đề xuất tại hội thảo sẽ được biên soạn, tổng hợp thành tài liệu chuyên đề.