Tham dự buổi làm việc có đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng của Ban Kinh tế Trung ương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đề cập tới những vấn đề cần quyết sách chính trị của Trung ương để tháo gỡ hoặc định hướng phát triển trong thời gian tới; đề xuất góp ý vào nội dung Đề án và những điểm cần làm rõ; những điểm mới như: nghiên cứu, xem xét về khái niệm và nội hàm của khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định các lĩnh vực chú trọng như: công nghiệp nền tảng, công nghệ lõi để đề xuất nhiệm vụ và giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp; xác định cơ chế, chính sách đột phá, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước để thực hiện vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các lĩnh vực…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả, thành tựu tích cực mà Tập đoàn Viettel đã đạt được trong những năm qua. Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tới làm việc trực tiếp, điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Tập đoàn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; xây dựng hạ tầng số; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với công nghiệp dân sinh; phát triển các ngành nghề mới như: ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Viettel trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định, Viettel là một minh chứng điển hình cho vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một doanh nghiệp có khát vọng lớn, mở rộng không ngừng, bắt nhịp cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để vươn lên mạnh mẽ.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đồng chí tin tưởng rằng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Tập đoàn Viettel sẽ là đơn vị tiên phong đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó, lan tỏa ra các lĩnh vực; đóng vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành viễn thông-công nghệ thông tin ở Việt Nam, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và trực diện của các đại biểu, nhất là của Tập đoàn Viettel đã đề cập tới nhiều nội dung, cụ thể như: bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, vướng mắc làm cản trở quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao như: chưa có cơ chế giao những nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng, thuộc các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mang tính chất mở đường, dẫn dắt; cơ chế, hỗ trợ điều phối để tạo ra sự hợp lực giữa các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trong nước để phát triển một số công nghệ/sản phẩm nền tảng, tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành công nghiệp; hoặc là còn chậm triển khai xây dựng cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho việc triển khai các công nghệ, dịch vụ mới nhất đặc biệt là các công nghệ số, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; thể chế hóa chủ trương về Quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp nhà nước… Đây cũng chính là những tồn tại, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung.
Đồng chí cũng cho rằng, các ý kiến đã có sự thống nhất cao và đều khẳng định rằng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ cùng với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới; xác định nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới, đặc biệt là giải quyết được vấn đề thể chế để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.