Tại thông báo này, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng, loại vàng miếng SJC. Tuy nhiên, mức giá tham chiếu lần này là 85,3 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu tại phiên đấu thầu gần nhất khoảng 2,4 triệu đồng (82,9 triệu đồng/lượng).
Đáng chú ý, lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm khối lượng đặt thầu tối thiểu còn một nửa so với các phiên đấu thầu tổ chức trước đó. Cụ thể, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng) thay vì tối thiểu 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng) như các phiên trước.
Khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên vẫn là 2.000 lượng, không thay đổi so với các phiên trước.
Về các điều kiện tham gia đấu thầu, các thành viên tham gia đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và Quyết định 563/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 18/3/2013 về quy trình mua, bán vàng miếng.
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Như vậy, sau 4 lần tổ chức đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tổ chức thành công 1 phiên với 34 lô vàng miếng SJC được bán, tương ứng với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Lần gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 3/5 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới.
Cập nhật đến thời điểm 14 giờ ngày 7/5, giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 85,3-87,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng (mua vào) so kết phiên hôm trước. Chênh lệch mua vào-bán ra 2,2 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng trong nước chênh so với giá thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng.