Giảm thuế giá trị gia tăng đúng nhóm đối tượng

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mọi sản phẩm, dịch vụ chịu thuế này; tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nhóm đối tượng đã áp dụng trong năm 2022. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành chính sách và triệt để gỡ vướng hồ sơ, thủ tục để sự hỗ trợ nhanh chóng đến với doanh nghiệp và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: HẢI NAM
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: HẢI NAM

Không được làm giảm thu và tăng bội chi ngân sách

Sáng 13/5, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế GTGT. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (xuống còn 8%), áp dụng từ ngày ký Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023.

Chính phủ cũng đề xuất giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT 10%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến với mức giảm 2% thuế GTGT, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng; nếu áp dụng trong sáu tháng cuối năm 2023 thì ngân sách giảm thu khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Là cơ quan thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, phần lớn ý kiến của các đại biểu thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT để hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân phục hồi sau đại dịch, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022 đến nay. Thường trực Ủy ban thẩm tra và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn để chính sách nhanh chóng được thực thi.

Tuy nhiên, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15 (trong đó có nội dung giảm 2% thuế GTGT áp dụng trong năm 2022), Dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế GTGT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,…

Về vấn đề này, phần lớn ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng này. Một số lý do vướng mắc về kỹ thuật như cách xác định hàng hóa, thời điểm lập hóa đơn, mô tả hàng hóa,… được nêu trong báo cáo tổng kết thực hiện giảm thuế GTGT năm 2022 thì về cơ bản đã được xử lý trong quá trình thực hiện. Do vậy, cơ quan thẩm tra không đồng tình và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế GTGT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.

Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, do thu ngân sách năm nay được dự báo sẽ khó khăn, trong khi Quốc hội lưu ý việc giảm thuế GTGT không được làm giảm thu và tăng bội chi ngân sách năm 2023.

Giảm thuế giá trị gia tăng đúng nhóm đối tượng ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau giai đoạn đại dịch. Ảnh: NAM ANH

Để chính sách phát huy tốt hơn

Đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh kinh tế những tháng đầu năm 2023 chứng kiến sự giảm tốc. Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%...).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2023 giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giảm 1,2%. Tuy tình hình lao động tháng 4/2023 đã có sự cải thiện so với quý đầu năm nhưng bốn tháng đầu năm vẫn có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến nói trên, ngoài các chính sách được ban hành thời gian qua như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình với quan điểm áp dụng giảm thuế GTGT đối với nhóm đối tượng như năm 2022, đặc biệt bối cảnh hiện nay cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn.

Đối với các khó khăn, vướng mắc đã gặp phải trong năm 2022, ông Thịnh cho rằng sẽ rút kinh nghiệm cho năm 2023. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, để chính sách này thật sự có hiệu quả thì công tác quản lý giá phải rất sát sao, bảo đảm giá hàng hóa phù hợp giá thành sản xuất, tránh tình trạng thuế GTGT giảm nhưng giá bán lại tăng cao.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, nếu nhìn từ góc độ ngành/lĩnh vực kinh tế thì ông cũng tán thành quan điểm về phạm vi hỗ trợ của Nghị quyết 43.

Tuy nhiên, dưới góc độ thực thi và bảo đảm hiệu quả chính sách, vị chuyên gia cho rằng cần có sự linh hoạt trong áp dụng. Thí dụ, nếu trong cùng một doanh nghiệp có nhiều mảng hoạt động khác nhau, thậm chí cùng một hoạt động lại có thể vừa rơi vào nhóm giảm thuế, vừa rơi vào nhóm không được giảm thuế…, việc phân loại quá rạch ròi có thể làm tăng thêm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Thực tế thì, qua quá trình áp dụng giảm thuế GTGT năm ngoái, theo quan sát của phóng viên, một số doanh nghiệp kêu rằng rất khổ vì trong cùng một mảng hoạt động nhưng chỗ này được giảm, chỗ kia lại không được giảm. Thậm chí có doanh nghiệp nói rằng, được giảm 2% thuế GTGT nhưng không vui vì chi phí giấy tờ, chi phí quản lý để cập nhật thay đổi còn lớn hơn giá trị thuế được giảm. “Năm nay thấy chuẩn bị được giảm thuế GTGT mà bộ phận kế toán thấy áp lực nhiều hơn vui mừng”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất nói với phóng viên.

Từ thực tế này, TS Nguyễn Quốc Việt đề nghị, đối với những ngành, lĩnh vực thật sự đặc thù, có thể phân tách được như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thì rất hợp lý; còn những lĩnh vực như bất động sản, xây dựng thì với hoạt động chồng chéo nhiều mảng, nếu cứ nhất định phải phân tách thì rất khó cho họ.

“Mặc dù việc giảm thuế GTGT không chỉ mang lại lợi ích ngay cho doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực lâu dài là kích cầu tiêu dùng, dẫn đến kích cầu tạo vòng quay sản xuất mới, song điểm nhấn là hỗ trợ thì phải giảm thấp nhất chi phí thực thi chính sách, đơn giản hóa các loại quy trình thực hiện sao cho lợi ích nhận được phải lớn hơn chi phí bỏ ra thực thi chính sách”, ông Việt nói.

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong năm 2022, Quốc hội phải tổ chức kỳ họp bất thường để xử lý ngay những vấn đề cấp bách, trọng tâm là thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, áp dụng từ ngày 1/2/2022.

Nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2022 tăng gần 20%, góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế (GDP) 8,02%.

Việc giảm thuế GTGT năm 2023 cần phải chờ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 22/5/2023) thông qua, nên phải đến ngày 1/7/2023 mới thực hiện được. Như vậy, thời gian giảm thuế GTGT năm 2023 chỉ có sáu tháng, thay vì 11 tháng như năm 2022.