Tiếp sức cho con công nhân đến trường

Tại một số tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đã giảm sút đơn hàng, khiến công việc của công nhân, lao động bị cắt giảm. Cuộc sống bấp bênh sau đại dịch chưa phục hồi thì năm học mới 2022-2023 đã đến rất gần với nhiều khoản chi tiêu, mua sắm. Ðiều này khiến nhiều gia đình công nhân có con, bước vào năm học mới với nhiều lo lắng, ngổn ngang.
0:00 / 0:00
0:00
Công đoàn Ðiện lực Việt Nam trao học bổng và quà tặng con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới.
Công đoàn Ðiện lực Việt Nam trao học bổng và quà tặng con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới.

Anh Bùi Biện là công nhân tại doanh nghiệp may tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, vài tháng nay, do công ty ít đơn hàng, công việc cắt giảm, không được tăng ca cho nên thu nhập cũng ít đi. Tại công ty của vợ anh cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, trong khi phải 20 triệu đồng mới mong đủ chi tiêu. Chuẩn bị bước vào năm học mới, anh chị cho biết, ít nhất cũng phải bớt một khoản chi năm triệu đồng để mua sắm đồ dùng, sách vở cho hai đứa con cho nên mọi chi tiêu trong gia đình phải rất tiết kiệm, trong đó có cả việc phải giảm cả dinh dưỡng trong những bữa cơm gia đình. Gia đình công nhân nào có hai con đi học thì khó khăn hơn.

Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị Lê Hoài Giang, Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) vừa dọn về ngôi nhà mới tại Dự án khu nhà ở xã hội Tòa nhà CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung, Ðông Anh, Hà Nội. Niềm vui thoảng qua nhanh chóng bởi nỗi lo trả lãi gốc ngân hàng 6,3 triệu đồng/tháng, nay lại đối mặt với nhiều chi phí cho hai con vào năm học mới. Chị Giang cho biết: "Nhà có hai con, các khoản chi đầu năm của mỗi cháu là hơn 2,5 triệu đồng. Dù tháng 9 năm nào cũng vậy, nhưng với mức thu nhập chưa đến hai chục triệu của vợ chồng chúng tôi, những tháng đầu năm học mới luôn phải tháng này bù tháng kia".

Theo báo cáo nhanh từ công đoàn tỉnh Ðồng Nai cũng cho thấy, công nhân, lao động trong tỉnh đang đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm. Nhất là hai tháng gần đây, nhiều công nhân ngành giày da và ngành gỗ phải nghỉ phép hằng tuần, nhằm giảm áp lực trả lương cho doanh nghiệp. Chia sẻ từ các cán bộ công đoàn, đây là tình hình chung, các doanh nghiệp đều giảm tới 30% đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ chờ việc và chỉ hưởng lương ngừng việc.

Thấu hiểu và sẻ chia trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tìm nhiều giải pháp, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động. Quyền Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ðỗ Hồng Vân cho biết: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân, viên chức, lao động và con em của họ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Nữ công. Trong hai năm dịch bệnh diễn ra, chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo chú trọng quan tâm đến lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, các hoạt động chăm lo cho con nữ công nhân, viên chức, lao động ngày càng được chú trọng, như: Biểu dương, khen thưởng các cháu có thành tích cao trong học tập; hỗ trợ học bổng, tặng quà các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục thực hiện chi hỗ trợ trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch Covid-19. Ðẩy mạnh và nhân rộng thực hiện mô hình "Trại hè cho con công nhân lao động".

Trước thềm năm học mới, nhằm động viên và chia sẻ khó khăn với nữ công nhân, lao động, tổ chức công đoàn triển khai chương trình trao quà tặng con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, tổng số là 2.500 cháu, mỗi suất một triệu đồng. Ngoài ra, đề nghị, đôn đốc công đoàn các tỉnh, ngành bám sát hướng dẫn công tác nữ công đầu năm, tổ chức trao học bổng, hoặc biểu dương con công nhân, lao động học giỏi, vượt khó. Nhất là tại liên đoàn lao động các tỉnh có nhiều công nhân, lao động bị ảnh hưởng, khó khăn trong hai năm diễn ra dịch Covid-19.

Bằng những tâm huyết, phù hợp thực tiễn hoạt động, các cấp công đoàn đã có nhiều sáng tạo trong chăm lo đoàn viên, người lao động, thông qua những quan tâm thiết thực nhất tới con của họ, nhất là trong những dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, năm học mới. Chín năm qua, Liên đoàn Lao động Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào "Nuôi heo đất" trong công nhân, viên chức, lao động. Theo đó, mỗi đoàn viên, cán bộ công đoàn tiết kiệm năm nghìn đồng/tháng, gây quỹ học bổng Nguyễn Ðức Cảnh, tạo nguồn kinh phí chăm lo cho con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ðến nay, có 105 công đoàn cơ sở thực hiện, tổng số tiền gây quỹ hơn 315 triệu đồng. Nhờ đó, hàng nghìn con công nhân, lao động vượt khó, hàng trăm suất học bổng khen thưởng, động viên con công nhân, lao động có thành tích xuất sắc. Trước thềm năm học mới, ngoài trao học bổng, các cháu còn được nhận phần quà gồm các dụng cụ học tập.

Vừa qua, Tổ chức tài chính vi mô CEP tổ chức Lễ trao học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học tại Bình Dương. Năm học mới này, học bổng CEP hỗ trợ 149 suất học bổng, với tổng trị giá là 342,5 triệu đồng trao tặng các em là con cháu của khách hàng khó khăn của CEP tại chi nhánh CEP Thuận An và CEP Thủ Dầu Một. Chương trình cũng trao 611 phần quà học tập, tổng trị giá hơn 183 triệu đồng để đồng hành cùng các em có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 8 vừa qua. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP Nguyễn Tấn Ðạt: Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ổn định nhưng hậu quả để lại vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của công nhân, người lao động nghèo. Trong bối cảnh đó, CEP tổ chức Chương trình "CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân và người lao động vượt khó do Covid" năm 2022, nhằm tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho công nhân, lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Chương trình sẽ hỗ trợ gần 66 nghìn khách hàng công nhân và người lao động nghèo tại các tỉnh, thành phố, tổng kinh phí dự kiến 14,5 tỷ đồng. Riêng Chương trình học bổng, CEP dành tổng kinh phí 9,3 tỷ đồng ■