Tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống

Về làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nhiều người tỏ ra thích thú khi gặp những “nghệ nhân nhí” chân trần say sưa với nhịp chiêng, điệu xoang. Những “búp măng” ấy đang góp phần tạo nên sức sống mới cho văn hóa truyền thống dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên đội chiêng thiếu nhi làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Thành viên đội chiêng thiếu nhi làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Mới 12 tuổi, nhưng Đinh Thị Mai Anh lớn tuổi nhất trong đội chiêng. Có lẽ vì vậy cho nên việc lo cho các em nhỏ trong đội cồng chiêng những lần biểu diễn thường do “chị cả” Mai Anh quán xuyến.

Mai Anh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở làng Mơ Hra Đáp, em luôn yêu và muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Ngay từ nhỏ, em thường được mẹ cho tham gia các lễ hội ở làng nên em gần như thuộc lòng các điệu xoang. Sau này, khi vào đội cồng chiêng thiếu nhi, em rất vui nên càng cố gắng luyện tập, để điệu múa được dẻo dai, uyển chuyển hơn”.

Không dạn dĩ như Mai Anh, nhưng cậu bé mới 9 tuổi Đinh Vưng lại là một tay chiêng khá thành thục. Lúc chuyện trò cùng du khách, Vưng chỉ cười bẽn lẽn, nhưng khi được thả mình vào không gian của cồng chiêng, em lại rất tự tin, mạnh mẽ. “Bây giờ, mỗi khi làng có khách, chúng em đã tự tin biểu diễn, em rất tự hào vì được giới thiệu và quảng bá văn hóa dân tộc mình đến với mọi người”, Vưng nói.

Theo chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa-xã hội xã Kông Lơng Khơng, làng Mơ Hra Đáp có 5 đội cồng chiêng, trong đó có 2 đội cồng chiêng “nhí” với hơn 60 thành viên. Các em rất chăm chỉ và hăng say trong tập luyện. “Người “tiếp lửa” cho tinh thần chung ấy chính là già làng Đinh Mưnh. Các thành viên đội cồng chiêng được già chỉ bảo, truyền dạy từ nhiều năm nay. Buổi tối hoặc các ngày cuối tuần, già thường tập trung các em ở khu vực nhà rông để dạy chiêng, xoang”, chị Ngọc cho biết.

Lần đầu đến thăm làng Mơ Hra Đáp, chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội) được hòa mình trong không khí rộn ràng, sôi nổi bởi các hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm; được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Ba Na…

Chị chia sẻ, bản thân rất ngạc nhiên và hứng thú với những cô bé, cậu bé người Ba Na say sưa với điệu xoang, nhịp chiêng. “Mình rất ấn tượng bởi tình yêu văn hóa truyền thống của người dân và nhất là những đứa trẻ trong làng. Đây là tín hiệu vui để địa phương có thể phát huy hơn nữa du lịch cộng đồng. Sau những ngày trải nghiệm ở làng, chúng tôi khám phá được những điều mới mẻ về bản sắc, con người, tập quán ở đây”, chị Phượng bày tỏ.

Ông Đinh Văn Lum, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết, mô hình du lịch cộng đồng được hình thành từ năm 2018, đã mở ra cơ hội cho người dân làng Mơ Hra Đáp phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm du lịch, tạo sinh kế và tăng thu nhập.

Đáng quý hơn, qua mô hình này đã khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản thiên nhiên tại địa phương. Để việc bảo tồn và phát huy được bền vững, địa phương đặc biệt quan tâm phát triển thế hệ “măng non” của làng.

Hiện tại làng Mơ Hra Đáp đang tiếp tục được hỗ trợ nâng cao kỹ năng từ dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được coi là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

“Người Ba Na ở làng Mơ Hra Đáp đang nỗ lực để hình thành những lớp người trẻ yêu văn hóa, biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, đây là nguồn nội lực phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển”, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết.