Bà Nguyễn Thị Định (1920-1992) là người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Bà thường được gọi với tên thân thương là cô Ba Định. Cô Ba Định tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 18 tuổi.
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, bà đã đối mặt và vượt qua rất nhiều mất mát khi gia đình bị chia cắt, phải xa con khi con còn quá nhỏ; chồng bị bắt và hy sinh. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, bà đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn, làm nên những chiến công khiến quân thù khiếp sợ.
Bà tham gia hoạt động Mặt trận Việt Minh, Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre và phong trào Đồng Khởi.
Tên tuổi bà không chỉ gắn liền với Đồng Khởi, với Đội quân tóc dài, với những danh hiệu cao quý, trọng trách quan trọng như Thiếu tướng, Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền nam Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước...; mà còn với phong trào phụ nữ và công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội.
Tác phẩm tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô bắt nguồn từ tâm nguyện mong muốn tri ân và lưu giữ những hình ảnh cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam của các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam.
Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt” của kỷ lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, được thực hiện bởi nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trong thời gian 3 tháng.
Bức tranh được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam góp phần làm đa dạng hơn các loại hình hiện vật trong bộ sưu tập về bà Nguyễn Thị Định của Bảo tàng, từ đó tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương khẳng định: Thực hiện tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định từ lá sen là một ý tưởng độc đáo, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa giàu tính nhân văn sâu sắc. Đây là món quà quý giá để tôn vinh và bày tỏ tấm lòng thành kính với người lãnh đạo Hội phụ nữ, nữ tướng kiệt xuất Nguyễn Thị Định.
“Bức tranh chân dung trao tặng ngày hôm nay được lưu giữ tại Bảo tàng sẽ tiếp tục lan tỏa giá trị như những đóa sen ngát hương, góp phần vào kho tư liệu giáo dục truyền thống quý báu, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam tới thế hệ trẻ trong tương lai” - bà Trần Lan Phương nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa phát biểu tại sự kiện. |
Tham dự sự kiện, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đẹp về bà Nguyễn Thị Định. Nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, chính nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của “dì Ba”, bà đã được học hỏi, có thêm tự tin để đóng góp hết mình trên cương vị lãnh đạo Hội. Đó cũng là động lực, nền tảng để bà trưởng thành hơn và có những đóng góp trên các cương vị lãnh đạo đất nước.
Là người đưa ra ý tưởng thực hiện bức tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định bằng lá sen, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, kỷ lục gia châu Á sở hữu bộ sưu tập chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt", Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam cho biết: “Là người sưu tập những tác phẩm về sen đã gần 20 năm, tôi thấy mình có trách nhiệm cần thực hiện bức tranh này. Trong bộ sưu tập của mình, tôi cũng đã thực hiện chân dung về một số người phụ nữ có tầm ảnh hưởng qua các cuộc kháng chiến cũng như theo dòng lịch sử của đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ đã có cơ duyên được gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định vào năm 1984, khi em bà làm lái xe cho cô Ba Định. Người phụ nữ miền nam ấy đã để lại nhiều ấn tượng và thiện cảm trong bà. Bà đã chọn bức chân dung tâm đắc nhất về cô Ba Định để đưa nghệ nhân thực hiện theo ý tưởng.
“Và khi nhận về bức tranh làm từ lá sen, tôi vô cùng xúc động, đặc biệt khi bức tranh đã lột tả được thần thái của một nữ tướng, mạnh mẽ mà vô cùng nhân hậu” - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định". |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra buổi giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định" với sự tham gia của những khách mời đặc biệt: bà Đặng Thị Tố Ngân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Hoa, người giúp việc cho bà Nguyễn Thị Định từ năm 1984 cho đến năm 1992; nhà sử học Dương Trung Quốc; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm.