Tiếng vó ngựa triền đê

Ðinh Ngọc Cương hy vọng một ngày nào đó tại Việt Nam cưỡi ngựa sẽ được công nhận là một môn thể thao, thay vì chỉ mang tính giải trí, trải nghiệm. Sự ra đời của Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) là những bước đi đầu tiên để hướng tới mục đích đó, sau khi anh đã có hơn 10 năm đam mê và gắn bó với những chú ngựa.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn Văn Hưởng hướng dẫn một bé trai cưỡi ngựa.
Ðoàn Văn Hưởng hướng dẫn một bé trai cưỡi ngựa.

Ðầu tư vào một lĩnh vực giải trí còn mới mẻ ở Việt Nam như cưỡi ngựa chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng Cương vẫn mang hết tâm huyết vào việc chăm sóc ngựa, hướng dẫn học viên từng động tác dù là nhỏ nhất để có thể điều khiển ngựa thành thục.

Cưỡi ngựa mà không phải đua ngựa

Những chú ngựa phi nước kiệu trên đường đê Hữu Hồng, thuộc xã Yên Mỹ không còn là điều bất ngờ với những người dân thường qua lại khu vực này vì đây là hình ảnh quen thuộc của những buổi thực hành dã ngoại ngoài sân tập của học viên Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng.

Không biết cảm giác của các kỵ sĩ như thế nào khi ngựa chạy nước kiệu nhưng nghe âm thanh móng ngựa dồn dập gõ xuống mặt đường, tôi đã hình dung mình như đang trở lại Ðà Lạt (Lâm Ðồng), lướt theo vó ngựa hối hả vụt qua phố, qua dinh thự, qua rừng, qua đồi... Và cũng sẽ thật thú vị khi ngồi trên lưng ngựa để ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn từ bờ đê Hữu Hồng hay chỉ đơn giản là phóng tầm mắt xuống toàn cảnh Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng...

Cách không xa hồ Hoàn Kiếm, khu đô thị Linh Ðàm hay Công viên Yên Sở nhưng khu vực quanh điếm 30, đê Hữu Hồng vẫn hoang sơ, thích hợp cho những hoạt động thể thao ngoài trời và dã ngoại. Ðây có thể là lý do để Cương chọn xây dựng cơ sở tập luyện cho các khóa huấn luyện cưỡi ngựa cơ bản và nâng cao mà không phải là Sóc Sơn nhiều đồi núi hay Yên Mỹ phù hợp cho việc chăn thả ngựa.

Những chú ngựa phi nước kiệu trên đường đê Hữu Hồng, thuộc xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) không còn là điều bất ngờ với những người dân thường qua lại khu vực này vì đây là hình ảnh quen thuộc của những buổi thực hành dã ngoại ngoài sân tập của học viên Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng.

Hơn nữa, khu vực này đủ rộng để anh xây dựng một sân luyện tập đạt chuẩn 20x40m và một sân tập hình tròn, cũng như khu chuồng trại chăn thả và cho ngựa ăn, khu vực chuẩn bị ngựa và khu vực thay đồ. Vào thời điểm tôi trở lại đây lần thứ hai lúc đầu giờ chiều, trong khu chăn thả có bốn chú ngựa với những cái tên thân quen như Tony, Whisky…, khu vực chuẩn bị ngựa có hai con Genny và Softy và phía xa xa hướng về đê Hữu Hồng là một con đang thong thả gặm cỏ. Theo huấn luyện viên Ðoàn Văn Hưởng và cũng là người quản lý câu lạc bộ hằng ngày, anh và Cương đang chuẩn bị có buổi tập cho người tham gia là chị Nguyễn Thanh Huyền và cô con gái Trần Khánh An.

Dù là trải nghiệm hay luyện tập, người tham gia bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, mang giày, quần tập, găng tay. Thậm chí, chị Huyền và bé An đã được Hưởng hướng dẫn một số động tác giãn cơ tập trung vào phần cổ, hông và chân nhằm tránh những chấn thương có thể xảy ra. Cương và trợ lý Nguyễn Văn Mạnh cho hai chú ngựa Genny và Softy khởi động, trước lúc Hưởng dẫn bé An ra sân tập hình tròn và chị Huyền tập ở sân hình chữ nhật.

Trong khóa đào tạo cơ bản gồm 12 buổi, ở buổi đầu tiên, Cương bước đầu hướng dẫn chị Huyền tương tác, tìm hiểu tâm lý ngựa qua các khẩu lệnh và động lệnh. Ở khoảng cách chỉ cách một hàng rào, tôi nhìn và nghe như có cảm giác, việc hiểu ngôn ngữ của loài ngựa có vẻ không quá khó. Nếu không, con Genny sao có thể bước đi theo những tiếng tặc tặc của Cương và Huyền hay dừng lại chỉ nhờ động tác kéo cương và một khẩu lệnh khác là “à, à, à...”. Sau một lúc vuốt ve và “trò chuyện” với con ngựa cái bảy tuổi, Cương hướng dẫn Huyền các động tác cầm dây cương, lên ngựa, xuống ngựa đúng kỹ thuật theo phong cách Anh như anh cho biết, thay vì phong cách miền Tây nước Mỹ, cho ngựa đi nước kiệu rồi khởi động trên lưng ngựa.

Buổi tập kéo dài 45 phút trôi qua thật nhanh và để có thể điều khiển ngựa một cách tự tin, thoải mái, chị Huyền và bé Khánh An sẽ phải tập hai buổi mỗi tuần trong ít nhất ba tháng của khóa học. Sau đó, nếu có nhu cầu, họ có thể đăng ký tham gia khóa huấn luyện cưỡi ngựa nâng cao, với tám buổi gồm các hoạt động như điều khiển phi nước kiệu nhanh, chậm và phi nước đại; phi ngựa vượt chướng ngại vật, cưỡi ngựa lên dốc, xuống dốc; cách ngã ngựa và xử lý tình huống ngựa không tuân theo hiệu lệnh; thực hành dã ngoại ngoài sân tập với địa hình khác nhau... Tiếp đấy là khóa huấn luyện cưỡi ngựa theo nhu cầu.

Anh Trần Văn Hùng, bố bé Khánh An chia sẻ, anh đã tìm hiểu môn cưỡi ngựa trên internet, trước khi tự mình trải nghiệm tại Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng rồi giới thiệu cho vợ và con gái. Mục đích của anh là giúp bé Khánh An có những giờ phút giải trí thoải mái và thú vị, để em hòa mình vào thiên nhiên, yêu thương và hiểu hơn động vật, rời xa những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Đường dài mới biết ngựa hay

Cương chia sẻ, Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng được thành lập với mục đích kết nối, chia sẻ niềm đam mê, kiến thức và kỹ năng cưỡi ngựa cho những ai yêu thích các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là môn cưỡi ngựa. Xuất phát từ hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời sau khi đánh tan giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước trong truyền thuyết, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ mong muốn tạo động lực, sự đam mê của sức trẻ thông qua cưỡi ngựa, chăm sóc ngựa để truyền tải thông điệp về sự yêu thương động vật, giáo dục về truyền thống, ý thức bảo vệ môi trường tới thế hệ trẻ.

Ý tưởng cho sự ra đời của Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng hay chính xác là niềm đam mê với ngựa xuất phát từ những ngày Cương du học ở New Zealand hơn 10 năm về trước. Kỷ niệm tại New Zealand thì nhiều nhưng ấn tượng nhất vẫn là những khoảnh khắc anh được dạo chơi cùng bầy ngựa và hòa mình vào thiên nhiên. Vì thế, trở về Việt Nam, được một người bạn Italia giới thiệu cuộc đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai) năm 2009, Cương bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn môn cưỡi ngựa, với hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa hoạt động này trở thành thú vui giải trí và hơn tất cả là được công nhận như một môn thể thao tại Việt Nam.

Ấp ủ thế nhưng phải mất gần 10 năm Cương mới biến những dự định đó thành hiện thực, sau một giai đoạn dài anh làm việc cho các tổ chức phi chính phủ với những dự án về giáo dục, y tế, môi trường, du lịch... dành cho các tỉnh nghèo, và dành thời gian khám phá các trại ngựa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ðiều đặc biệt nữa là hiện tại, Cương đang sản xuất và kinh doanh bông trần.

Xuất phát từ hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời sau khi đánh tan giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước trong truyền thuyết, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ mong muốn tạo động lực, sự đam mê của sức trẻ thông qua cưỡi ngựa, chăm sóc ngựa để truyền tải thông điệp về sự yêu thương động vật, giáo dục về truyền thống, ý thức bảo vệ môi trường tới thế hệ trẻ.

Thử nhẩm tính với bảy con ngựa tại câu lạc bộ, hằng ngày mỗi con cần vài chục kilogram cỏ, thân, lá cây ngô, các loại cám là biết được số tiền hằng tháng mà Cương bỏ ra. Vậy nhưng trong suy nghĩ của người đàn ông sinh năm 1975, sự tồn tại của Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng trong sự cạnh tranh và chờ đợi Hiệp hội cưỡi ngựa thể thao Việt Nam ra đời giống như một cuộc đua mà ở đó, “đường dài mới biết ngựa hay”.

Ðiều này giải thích tại sao dù chỉ học chuyên ngành luật, quản lý các dự án phát triển cộng đồng rồi hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, kỹ năng sống, nhưng Cương vẫn quyết tâm đưa câu lạc bộ hoạt động trở lại vào tháng 2 năm nay sau thời gian nâng cấp hạ tầng. Thậm chí, anh còn viết dự án phát triển câu lạc bộ cưỡi ngựa vừa và nhỏ để áp dụng cho Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng.

Tuy vậy, những khó khăn mà một chủ nhiệm như Cương phải đối mặt trong việc giúp Câu lạc bộ ngựa Thánh Gióng hoạt động ổn định vẫn nhiều hơn vài mặt thuận lợi. Ðúng là thị trường rộng lớn, có tiềm năng phát triển nhưng trong thời điểm loại hình cưỡi ngựa thể thao chưa được nhiều người tiếp cận, anh đang phải tìm mọi cách để lan tỏa niềm đam mê này. Hay bên cạnh các vấn đề nảy sinh trong nuôi, chăm sóc ngựa thì việc xây dựng một đội ngũ huấn luyện có chuyên môn cũng là khó khăn không nhỏ khi ở Việt Nam hầu như chưa có ai được đào tạo bài bản. Vì thế những người như Cương đều tự mày mò, vừa học hỏi vừa hỗ trợ cho nhau.

Theo Cương, nếu loài ngựa đã gắn bó với người dân Việt Nam từ xa xưa, trong cuộc sống thì ở thời điểm hiện tại, tại sao chúng ta không thể đưa chúng vào các hình thức mới như giải trí, thư giãn, du lịch và ở đây là thể thao. Chưa kể, cưỡi ngựa nghệ thuật đã được đưa vào thi đấu ở Olympic 1900 và trở thành môn chính thức của Thế vận hội từ năm 1912 đến nay, trong khi tại Ðông Nam Á, 8 trong số 11 nước thành viên (trừ Việt Nam, Lào và Timor Leste) đều đã có hiệp hội cưỡi ngựa thể thao.

Mong mỏi của Cương là một ngày nào đó Việt Nam sẽ có hiệp hội cưỡi ngựa thể thao để giúp lan tỏa niềm đam mê này rộng rãi hơn trong cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân trong nước.