Lan tỏa những nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa

Quan tâm, chăm lo đến thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm được cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thường xuyên. Ðiều này không chỉ thể hiện lòng tri ân những người có công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc mà còn giáo dục thế hệ trẻ hôm nay biết trân quý truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
0:00 / 0:00
0:00

Sáng sớm một ngày chớm đông, sương mù vẫn còn giăng kín các nhành cây, ngọn cỏ, nhưng trên các ngả đường, hàng trăm người dân huyện Tam Ðảo rủ nhau đến hội trường Ủy ban nhân dân xã Ðạo Trù để được các y, bác sĩ khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí.

Ông Lý Thanh Bình, 73 tuổi, nhà ở thôn Quang Ðạo, xã Yên Dương, thương binh hạng 4/4 là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến khám bệnh sớm nhất. Ông Bình chia sẻ, tuổi cao, sức yếu, khi trái nắng trở trời vết thương của ông tái phát cùng các chứng bệnh về xương khớp, tim mạch cho nên cơ thể hay mệt mỏi.

Bệnh viện thì ở xa, không có điều kiện đi thăm khám, kiểm tra thường xuyên. Bởi vậy, khi được thông báo có Chương trình “Quân dân y kết hợp”, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc hóa học, người già không nơi nương tựa do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Ðảo chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Nhà máy Z 195 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); Trung tâm Huấn luyện tổng hợp Tăng thiết giáp (Binh chủng Tăng thiết giáp); Trung tâm y tế và Viettel huyện Tam Ðảo tổ chức, ông bảo con cháu chở đến sớm để đăng ký khám bệnh.

Ông Lý Văn Vinh, dân tộc Sán Dìu, 65 tuổi, nhà ở thôn Ðạo Trù Thượng, xã Ðạo Trù từng là chiến sĩ tham gia mặt trận biên giới Tây Nam. Sau khi được các y, bác sĩ thăm khám, tư vấn và chỉ định, kê đơn thuốc, ông Vinh được nhận thuốc miễn phí, được bác sĩ tư vấn cách tập luyện, dùng thuốc.

Theo bác sĩ Hồ Sĩ Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Ðảo, hướng đến các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12), khi được cơ quan quân sự đề xuất Chương trình “Quân dân y kết hợp”, lãnh đạo, Ban Giám đốc Trung tâm đồng ý ngay.

Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã cử 28 y, bác sĩ có chuyên môn sâu cùng nhiều trang, thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh phối hợp các đơn vị tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí tặng các đối tượng chính sách của ba xã: Ðạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương. Ðây là những xã thuộc diện miền núi, có đến 90% số người dân là dân tộc Sán Dìu, đời sống, kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong thời gian một ngày, các y, bác sĩ đã khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho khoảng 240 người là đối tượng chính sách.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Ðảo đã phối hợp tổ chức ba chương trình thiện nguyện, hướng đến các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng. Trong đó, đợt một tổ chức vào dịp Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4) ở hai đơn vị là thị trấn Hợp Châu và xã Hồ Sơn; trao quà và thuốc miễn phí tặng 220 người, mỗi suất trị giá 550.000 đồng.

Ðợt hai tổ chức vào dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, thăm hỏi, trao 30 suất quà tặng thương binh, liệt sĩ tiêu biểu, mỗi phần quà trị giá một triệu đồng; tổ chức dạy bơi miễn phí cho 90 con em bộ đội xuất ngũ, cựu quân nhân, cựu chiến binh, thương binh. Ðợt ba tổ chức tại xã Ðạo Trù, gồm ba xã miền núi trong khu vực này tham gia.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Tam Ðảo sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, lụt bão; thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là khu du lịch, trọng điểm về an ninh, quốc phòng; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Thượng tá Trần Tú Anh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Ðảo cho biết: Tam Ðảo là vùng đất căn cứ địa được Trung ương Ðảng chọn là nơi trú ẩn trong những năm tháng chiến tranh, có truyền thống văn hóa, cách mạng lâu đời. Kế thừa truyền thống đó, những năm qua cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang huyện thường xuyên quan tâm, tổ chức tốt các hoạt động “Ðền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng.

Việc làm đó được các cơ quan, đơn vị quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn luôn đồng hành, ủng hộ, được người dân đánh giá cao. Cán bộ, chiến sĩ và các y, bác sĩ được về với nhân dân thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa cảm nhận như về với chính những người thân trong gia đình.