"Tiếng ngày nay cùng với tiếng ngày xưa..."

Từ đó, dù phải trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, Hà Nội vẫn vững vàng đi lên để xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, là niềm tự hào của mọi người Việt Nam.  

Những con đường rộng dài mới mở. Những phố xá mới tinh khôi. Những cửa hiệu hàng hóa ngập tràn. Rồi mỗi buổi sáng là nụ cười rạng rỡ của từng đoàn học sinh đến trường,... Và đứng trên đê sông Hồng hướng về phía xa xa, tầm mắt đã ít nhiều bị giới hạn bởi những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô, không còn thấp thoáng bóng dáng khuất mờ của Tam Ðảo, Ba Vì. Vậy là mới chỉ hơn hai chục năm, Hà Nội đã thay da đổi thịt, đã mở rộng, đã biến đổi đến mức vài chục năm trước khó có thể hình dung. Trong sự hối hả của thời gian, trong sự bộn bề của công việc, đôi khi con người không còn thời gian để nhớ về quá khứ; nhưng giữa dòng chảy của cuộc đời, một ngày nào đó trên đường, qua góc phố này, nhìn gốc cây kia, thì một quá khứ tưởng chừng đã qua, lại trở nên hiển hiện.

Lứa chúng tôi sinh ra sau ngày Hà Nội giải phóng, chỉ được biết về ngày 10-10-1954 qua những thước phim tư liệu. Khi lớn lên, tôi đã được chứng kiến ngày làm đường Thanh niên, thấy các anh, các chị cuốc xẻng lỉnh kỉnh, người đi tàu điện, người đi bộ, người xe đạp, tất cả cùng ra công trường. Mà với con mắt của tôi, ngày ấy Hồ Tây sao mênh mông thế, và ấn tượng mênh mông nhìn mãi không thấy bờ còn theo tôi đến tận hôm nay. Ðầu những năm 70 của thế kỷ trước, thành phố triển khai đào hồ Giảng Võ. Ðến lượt chúng tôi cũng cuốc cũng xẻng, cũng cơm nắm, bánh mì, đứa đi bộ, đứa đi tàu điện, đứa đi xe đạp, cùng đến công trường, mặt mũi lấm lem. Dụng cụ lao động thì công trường lo, nước chè xanh đựng trong thùng "phuy". Lạ thế, trong những ngày cả nước đang có chiến tranh mà giữa Hà Nội lại mọc lên một công trường đông nghịt những người là người. Công trường hồ Giảng Võ thật sự là một công trường xã hội chủ nghĩa, có cờ đỏ sao vàng phất phới, có tiếng loa phát thanh oang oang. Tôi lớn vào "hàng đầu bảng" của lớp học nên được phân công đứng "thủ mai", cũng xắn đất miếng nào ra miếng nấy. Mệt nhưng vui. Cái vui của những người trẻ tuổi, hô hào là đi, thấy việc là làm. Buổi sáng những hôm đi lao động, mỗi đứa chúng tôi đều mang theo cặp lồng đựng bữa ăn trưa. Thương con vất vả, các gia đình cố chuẩn bị cho con sao thật tươm tất. Trưa đến, chúng tôi lại kéo nhau sang bờ hồ Thủ Lệ, bày mâm bát. Ngoài cơm độn ngô hay độn mì sợi, ai cũng chỉ vài miếng đậu phụ rim, chút bí đỏ xào, hay nhúm rau muống luộc, mấy hạt lạc rang muối phủ trắng. Người nào có quả trứng rán thì chia đều, có khi chính chủ nhân quả trứng chỉ còn một mẩu, nhưng ai cũng thấy vui và ngon.

Mấy chục năm sau, nơi trung tâm của công trường ngày trước nay là hồ Giảng Võ đẹp tuyệt vời, nước trong xanh, liễu rủ hàng hàng và bóng những ngôi nhà cao tầng. Rồi đường Kim Mã thẳng băng hai làn xe chạy, lúc nào cũng nườm nượp người, xe. Nhớ thời nơi đây phố xá vắng vẻ, ra khỏi phố Núi Trúc là gặp ao hồ, đường xe điện cao hơn mặt đường quãng hơn nửa mét. Ðám bạn bè cùng tôi lao động ở hồ Giảng Võ, giờ đã hai thứ tóc. Thi thoảng gặp nhau, hàn huyên về sự đổi thay của Hà Nội, lại nói với nhau rằng, ngày ấy ngồi gặm bánh mì kẹp ca-la-thầu, nghe thầy cô mô tả về Hà Nội tương lai, khi chiến tranh kết thúc, cứ nghĩ chuyện xa lắc xa lơ. Vậy mà tương lai ấy lại đang từng ngày hiện rõ hình hài. Hóa ra mình từng lao động cho con cháu, cho Hà Nội ngày mai. Học phổ thông và đại học, hai lần tôi đi đào đất làm hồ. Học phổ thông đào hồ Giảng Võ, học đại học đào hồ Thành Công. Chỗ đó bây giờ nhà cửa san sát, cao thấp nhấp nhô, liệu mấy ai biết vài chục năm trước, nơi đó là một cái hố bùn khổng lồ.

Lại nhớ một sinh hoạt văn hóa từng rất thịnh hành ở Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, là mấy điểm biểu diễn ca nhạc như quảng trường trước cửa Ngân hàng Nhà nước, nhà tám mái trong vườn hoa Lý Thái Tổ, trước cửa Ðền Bà Kiệu,... là những nơi hằng tuần đến tối thứ bảy, mọi người lại náo nức đến xem. Ở đó, tôi đã được nghe giọng hát của các nghệ sĩ Minh Ðỗ, Thương Huyền, Thanh Huyền, Quốc Hương, Mai Khanh, Trần Thụ, Trần Khánh, Trần Hiếu,... và sau này là Thúy Hà, Bích Liên, Mỹ Bình, Lô Thanh, Quang Hưng, Mạnh Hà, Trần Tiến,... Xem ca nhạc không mất vé, ra vào tự do. Người đến sớm kiếm được chỗ gần sân khấu thì ngồi phệt xuống đất, ai đến sau thì đứng xếp hàng. Ðám trẻ như tôi thích nhất những hôm có Ðoàn Quân nhạc biểu diễn, có bác Ðinh Ngọc Liên chỉ huy, kèn sáo sáng loáng, các chú nhạc công quân phục chỉnh tề, rồi các giai điệu hùng tráng cất lên, nghe mãi không chán. Những bài hát đẹp và trong sáng ngày ấy đã theo suốt tuổi thơ của tôi, trong những năm đi học sơ tán, rồi lại theo tôi vào quân ngũ.

Năm 1964, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ bắt đầu, Hà Nội lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, vừa là tuyến đầu chống giặc Mỹ vừa góp sức giải phóng miền nam. Và người Hà Nội lại một lần nữa đào hầm, hầm quanh Hồ Gươm, hầm trên mọi vỉa hè, hầm ở mọi góc phố. Người Hà Nội, trẻ em và người già, lại đi sơ tán như hai mươi năm trước thế hệ cha anh từng tản cư lên chiến khu. Tôi đã chứng kiến những ngày đêm bom rơi dậy đất, nhà cửa rung lên bần bật, xe cứu thương rú còi chạy trên phố và nghe kể chuyện người hy sinh, người bị thương, chuyện sập đổ nhà. Tôi đã chứng kiến những đêm lửa đỏ rực trời, đạn pháo cao xạ và tên lửa vun vút như sao sa. Tôi cùng mọi người hò reo khản cổ mỗi khi nhìn thấy những chiếc máy bay Mỹ bốc cháy và lao xuống nơi nào đó ở phía cuối trời. Trên con tàu xình xịch, lầm lũi qua cầu Long Biên không có ánh đèn, đi đến nơi sơ tán, mọi người ngước nhìn những ụ súng 12ly7 đặt trên đỉnh cao của các nhịp cầu rồi nói với nhau: "Bộ đội phòng không, tự vệ sao vuông quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Tôi cũng từng chứng kiến ngày hội nhập ngũ của các anh, các chị, của các bạn bè lớn tuổi hơn nhưng học cùng một lớp. Dù ở nơi đỗ ô-tô hay trên sân ga Hàng Cỏ thì những cuộc tiễn chân ít thấy nỗi buồn, chỉ thấy nụ cười rạng rỡ của những chàng trai mang theo hào khí Thăng Long ra trận. Trong hàng vạn người con của Hà Nội ra chiến trường ngày đó, nhiều người đã không trở về, như sau này nhạc sĩ Trần Tiến đã tâm sự trong phần lời một ca khúc: "Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa, dòng máu sĩ bao người đi không về. Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi, hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường". Tôi cũng được chứng kiến những ngày quân và dân Hà Nội với ý chí quyết thắng đã làm nên kỳ tích "Ðiện Biên Phủ trên không". Cả Hà Nội sục sôi, cả Hà Nội cùng chung một lời thề và từng đàn "pháo đài bay B52" với đủ loại vũ khí hiện đại đã chịu thất bại trước lời thề ấy. Rồi tới một ngày, tôi cũng tiếp bước cha anh vào quân đội. Tôi cảm nhận được cảm giác lưu luyến, tự hào khi ngồi trên con tàu chật ních tân binh, qua cầu Long Biên, nhìn về Hà Nội le lói ánh đèn. Cho tới hôm nay, khi viết những dòng này, tôi còn nhớ lúc một đồng đội nào đó của tôi cất lên: "Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió. Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn nghìn năm sóng vỗ. Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng. Tôi lắng nghe từng phố phường thân yêu đang vọng về đây...", lập tức mấy trăm anh lính trẻ cùng hòa giọng hát theo. Chuyến tàu âm vang tiếng hát, hừng hực khí thế ra trận của những chàng trai Hà Nội. Về sau tôi nghĩ, tiếng hát của chúng tôi hôm ấy, là tiếp nối tiếng hát của cha anh ngày trước chào Thủ đô ra chiến trường và hẹn ngày trở lại. Nhưng với nhiều người bạn của tôi, lời hẹn đã không trở thành hiện thực, các anh nằm lại trên đất miền nam. Và rồi, hằng năm chúng tôi tụ tập về nhà Hồ Kiểm bên đê Nhật Tân. Hồ Kiểm là bạn cùng tiểu đội với tôi. Mỗi năm, kỷ niệm ngày nhập ngũ và ngày thành lập Quân đội, gia đình anh dành ra hai ngày để hội họp bạn bè cùng đơn vị. Hội họp để nhớ về những người bạn đã hy sinh, hội họp để chia vui, để nhớ về một thời rời Hà Nội ra đi, cầm súng đánh giặc. Các anh lính Hà Nội ngày trước, giờ phần lớn đã lên ông, nhưng khi nhắc đến thời trai trẻ, ai cũng thấy tự hào.

999 năm, trong đó có 55 năm dưới chế độ mới, không biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã chung tay làm nên lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Quá trình tích hợp dân cư, tích hợp văn hóa đã xây dựng nên bản sắc riêng của một vùng văn hóa như là kết tinh của văn hóa dân tộc. Trong 999 năm ấy, mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm là Thăng Long - Hà Nội một lần binh lửa. Kẻ thù từng đến kinh đô nước Việt, rồi kẻ thù phải chịu thất bại cay đắng. Nhìn từ lịch sử có thể thấy những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những thăng trầm của dân tộc. Thủ đô gặp khó khăn hay bị kẻ thù đe dọa, là cả nước lo lắng, sẻ chia. Thủ đô chiến thắng và phát triển, là cả nước vui mừng và tự hào. Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội là quan hệ tất yếu khách quan, nên cũng trực tiếp đòi hỏi Hà Nội cần luôn luôn xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.

Vào những năm đầu thế kỷ 21, Hà Nội đang vươn mình để cất cánh bay lên, như ngàn năm trước Vua Lý Công Uẩn với ước mơ "thăng long". Nước Hồ Gươm vẫn xanh trong ngăn ngắt, chuông chùa Trấn Quốc vẫn ngân dài trên sóng nước Tây Hồ và Hồng Hà vẫn chở nặng phù sa chảy về phía biển; nhưng Hà Nội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững đã mang dáng dấp của một Thủ đô hiện đại về trình độ, quy mô, với các công sở khang trang, những công trình văn hóa - thể thao mới xây dựng, những trường đại học và những khu đô thị mới, những khu công nghiệp... Dẫu như thế, Hà Nội vẫn khó có thể nhòa lẫn với các đô thị khác, bởi ở Hà Nội, truyền thống và hiện đại xen lẫn vào nhau. Nét cổ kính của Thủ đô ngàn năm vẫn in dấu trên những ngôi nhà cổ, trên những con phố nhỏ xưa kia vốn nằm ven kinh thành, trong những ngôi chùa nép mình dưới gốc cây già. Một Hà Nội của thời đại mới đang dần dần hiện rõ hình hài, để người Hà Nội và cả nước thêm tự hào về Thủ đô của Tổ quốc mình.

Kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô, cũng là vào thời điểm chỉ còn hơn ba trăm ngày nữa Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Ðất nước đổi mới, Hà Nội đi lên. Hào khí đất Thăng Long vẫn đang dâng trào trong huyết quản của hàng triệu con người. Và tôi những tin, dù còn nhiều khó khăn trên con đường phát triển, thì nhất định Hà Nội vẫn sẽ vượt qua. Như một thời, lời ca của Văn An từng bảo rằng: "Từ Ðống Ða gió gọi hồn dân tộc - Từ Ba Ðình gió rung lời thề độc lập - Tiếng ngày nay cùng với tiếng ngày xưa - Như nhắc nhở truyền thống của Thủ đô".