Đến nay, gia đình nhiều nạn nhân vẫn chưa biết đơn vị, công ty nào chịu trách nhiệm trước sự ra đi, mất tích của người thân. Nỗi đau chồng chất hơn với mong muốn ngành chức năng sớm làm rõ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cũng như quyền lợi của người lao động, nhân công trên tàu chìm.
Người thân thuyền viên không biết tìm doanh nghiệp nào để làm rõ trách nhiệm
Hơn nửa tháng trôi qua sau cái chết đột ngột của chồng, chị Bùi Thị Liên ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đau buồn khôn nguôi. Nỗi đau gấp bội khi đến lúc này chị và gia đình không nhận được thông tin nào từ cái chết của chồng cũng như nghĩa vụ của công ty thuê chồng chị làm việc.
Chị Liên cho biết, chồng chị là anh Trần Minh Phúc làm nghề máy đào hơn 20 năm trên nhiều công trình, dự án thi công. Đầu tháng 4/2024, anh Phúc được một công ty có địa chỉ tại TP Đà Nẵng giới thiệu làm việc cho Công ty TNHH Lý Tuấn, với nhiệm vụ làm đá ở cảng Kỳ Hà và đi đảo Lý Sơn. Đến ngày 15/4, anh Phúc trở về nhà lo việc gia đình và ngày hôm sau quay trở lại công trường.
Ngày 24/4, khi xảy ra vụ chìm tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 đưa tin trên các phương tiện truyền thông, gia đình chị bất an, lo lắng. Không có thông báo nào từ công ty, chị cùng gia đình tìm kiếm thông tin qua người quen mới biết được anh Phúc đã chết trong vụ chìm tàu kéo. Chị và gia đình ra cảng Dung Quất đón anh về lo hậu sự.
“Mấy ngày sau, 4 người là anh em công nhân làm chung công ty với chồng tôi vào thăm viếng. Họ đưa 10 triệu tiền lương của công ty và 8 triệu đóng góp của anh em đồng nghiệp, công nhân. Họ cho xe tải chở xe máy của chồng tôi vào trả cho gia đình”, chị Liên khóc.
Xe múc đi trên sà lan chìm dưới đáy biển sâu 60m |
Nỗi đau càng lớn hơn khi đã nửa tháng xảy ra tại nạn chết người, nhưng đến nay chưa có công ty, đơn vị nào chính thức gặp gia đình chị để trao đổi, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với chồng chị.
“Em tôi là lao động chính trong nhà, giờ em mất, vợ con khó khăn. Gia đình muốn cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thuê lao động làm việc và có trách nhiệm với gia đình chúng tôi”, đại diện gia đình anh Phúc yêu cầu.
Đại diện Công ty TNHH MTV Minh Linh cho biết, trong số 9 thuyền viên, nhân công trên tàu kéo và sà lan có 5 người quê ở tỉnh Long An và 4 người quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tai nạn xảy ra, Công ty TNHH MTV Minh Linh đã đưa 3 nạn nhân về quê ở tỉnh Long An và lo hậu sự chu toàn cho gia đình. Đồng thời, công ty này đã hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong, mất tích 250 triệu đồng.
“Chúng tôi cố gắng thực hiện trong khả năng để khắc phục hậu quả, cùng với sự thỏa thuận với gia đình để chia sẻ nỗi đau. Còn 4 anh em quê ở tỉnh Quảng Ngãi thì chúng tôi không giao dịch trực tiếp mà do Công ty Lý Tuấn giao dịch, làm việc với họ thì bên ấy lo. Chúng tôi để Công ty Lý Tuấn lo ngoài đó, còn chúng tôi lo cho người trong ở tỉnh Long An. Chúng tôi không làm việc trực tiếp với thuyền viên, nhân công ngoài đó”, đại diện Công ty TNHH MTV Minh Linh cho hay.
Ai chịu trách nhiệm khi hợp đồng thuê lao động khác thực tế?
Theo Hợp đồng thuê thiết bị số 28/02/2024, Công ty TNHH Lý Tuấn, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thuê của Công ty TNHH MTV Minh Linh, ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883; kèm theo 3 nhân sự vận hành là thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ. Với giá thuê 340 triệu đồng mỗi tháng, tổng giá trị hợp đồng thuê 6 tháng với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Phía Công ty Lý Tuấn thuê thêm 2 thuyền viên và chi trả lương để đảm bảo đủ 5 thuyền viên theo quy định.
Mặc dù Công ty Minh Linh và Công ty Lý Tuấn ký kết hợp đồng thuê phương tiện, nhân công nhưng cả hai doanh nghiệp đều không tuân thủ theo hợp đồng |
Phương tiện sẽ vận chuyển vật tư từ cảng Kỳ Hà, Quảng Nam đi thi công các công trình ở cảng Bến Đình ở đảo Lý Sơn, cảng Liên Chiểu ở TP Đà Nẵng và công trình tại biển Cửa Đại ở tỉnh Quảng Nam.
Theo hợp đồng thỏa thuận, lương công nhân vận hành do Công ty Minh Linh chi trả và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, con người cũng như các tài sản liên quan. Tuy nhiên trong thực tế, số lao động trên tàu nhiều hơn và việc giao dịch, thuê lao động làm việc cũng không đúng theo hợp đồng của hai doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Minh Linh cho biết, do thiếu người nên đơn vị này chỉ thuê được thuyền trưởng và thủy thủ; đồng thời nhờ công ty Lý Tuấn thuê 3 nhân sự chính thức ở huyện Lý Sơn vận hành tàu kéo, sà lan. Theo quy định của pháp luật, tàu kéo này đi đường gần thì 5 người, đi đường xa thì 7 người và xa hơn nữa thì 9 người.
“Tôi không biết công ty Lý Tuấn khai thác đoạn đường nào nên cứ mình cung cấp 3 người có bằng cấp đầy đủ. Hợp đồng thì vậy nhưng thực tế thì chúng tôi thuê 2 người, Công ty Lý Tuấn thuê 3 người. Công ty thuê thuyền trưởng Hiệp, với mức lương 60 triệu đồng mỗi tháng. Còn 3 người ở tỉnh Long An đi theo làm gì và công nhân xe múc tôi không rõ. Trong hợp đồng thể hiện ai làm gì, trách nhiệm như thế nào”, đại diện Công ty Minh Linh nói.
Hợp đồng thuê thiết bị, nhân sự vận hành một đường, còn hai công ty giao dịch, tìm người lao động một nẻo và thêm nhiều lao động ngoài danh sách khiến gia đình, người thân của các nạn nhân các thuyền viên đi trên tàu, sà lan không biết tìm nơi nào để giải quyết.
“Cho đến giờ người thân của chúng tôi mất tích chưa tìm được, các công ty thuê lao động cũng chưa nói chuyện hay trao đổi gì về nghĩa vụ, trách nhiệm với nạn nhân đã mất”, chị Bùi Thị Liên, đại diện gia đình 3 thuyền viên ở huyện Lý Sơn cho biết.
Để tìm hiểu thêm vấn đề lao động chính thức, người đi ngoài danh sách trên tàu kéo và sàn lan, phóng viên Báo Nhân Dân đã liên lạc với bà Phạm Thị Minh Lý, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn. “Tôi bận rồi, muốn làm việc cứ qua bên công an làm việc. Về lao động tôi chả tính gì hết, chị cứ qua công an làm việc”, bà Lý trả lời.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Thái Long, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, vụ việc chìm tàu số người chết, mất tích nhiều rất đau lòng. Đơn vị đã nắm thông tin ngay từ đầu qua các phương tiện thông tin đại chúng, và Sở đã yêu cầu Công ty TNHH Lý Tuấn khai báo tai nạn lao động với Bộ Giao thông Vận tải và Thanh Tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
“Điều tra vụ việc thì bên công an, còn điều tra về tai nạn lao động thì do tai nạn xảy ra trên phương tiện đường thủy nên Bộ Giao thông vận tải tiến hành. Bộ thành lập đoàn điều tra để tìm nguyên nhân tai nạn, đề ra biện pháp khắc phục và giải quyết các quyền lợi về chính sách lao động cho người lao động có liên quan”, ông Nguyễn Thái Long khẳng định.
Theo Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, hợp đồng lao động có nhiều hình thức khác nhau như ký kết văn bản hay giao kết lao động bằng lời nói. Các căn cứ để xác định hai bên có quan hệ lao động gồm tiền lương, lịch làm việc, danh sách đi làm, xuất bến… Dù giao kết lao động bằng lời nói thì doanh nghiệp thuê nhân công phải có trách nhiệm nếu tai nạn lao động xảy ra; trách nhiệm giải quyết chế độ, chính sách như hợp đồng lao động ký kết bằng văn bản.