Một dự án di dân không phát huy hiệu quả

Dự án xây dựng khu tái định cư nhằm di dân ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng Phong Quang (xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2017. Thế nhưng do không có đất sản xuất, đến nay, vẫn chưa có hộ dân nào chuyển đến sinh sống ở khu tái định cư này, dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, gây lãng phí nghiêm trọng...
0:00 / 0:00
0:00
Do không có dân đến ở, chính quyền địa phương cho một doanh nghiệp mượn sân điểm trường để tập kết ống nước.
Do không có dân đến ở, chính quyền địa phương cho một doanh nghiệp mượn sân điểm trường để tập kết ống nước.

Dự án di dân ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng Phong Quang nói trên được đầu tư từ năm 2011, với tổng vốn đầu tư hơn 62 tỷ đồng và do Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là di dời 45 hộ người dân tộc H’Mông từ thôn Lùng Giàng B thuộc vùng lõi rừng đặc dụng Phong Quang đến khu tái định cư mới.

Việc di dân ra khỏi vùng lõi rừng đặc dụng là chủ trương đúng của chính quyền tỉnh Hà Giang nhằm hạn chế việc chặt phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ thực vật, động vật rừng; nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện cho địa phương quản lý dân cư tốt hơn.

Đến đầu năm 2017, dự án này hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và bàn giao cho xã Phong Quang quản lý. Các hạng mục công trình đã được đầu tư, xây dựng gồm: Đường giao thông; công trình cấp nước sinh hoạt; công trình điện; nhà lớp học điểm trường cấp 4; nhà lớp học mầm non; nhà lưu trú giáo viên; nhà văn hóa cộng đồng; các công trình phụ trợ tại khu trường học; san ủi mặt bằng.

Sau bảy năm hoàn thành, đến nay vẫn chưa có hộ dân nào ở thôn Lùng Giàng B hạ sơn, chuyển về nơi ở mới. Ông Thượng Huy Du, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Quang cho biết: “Chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện đã vận động người dân đến ở, nhưng bà con không đồng ý. Nguyên nhân là tại khu tái định cư, mỗi gia đình chỉ được cấp 400 m2 đất thổ cư, không có đất sản xuất nông nghiệp. Nếu các hộ dân muốn canh tác tại nơi ở cũ thì phải vượt quãng đường khoảng 5 km theo đường rừng, còn đi theo đường chính thì hơn 10 km. Mặt khác, hơn 40 hộ gia đình thuộc đối tượng di dời phần lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo nên không đủ kinh phí để xây nhà mới”.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên, khi xây dựng dự án chưa tính toán kỹ, xác định số hộ chưa rõ ràng, khu vực liền kề dự án là khu vực rừng phòng hộ thuộc dự án 661, dẫn đến tình trạng dự án không bố trí được đất sản xuất cho người dân. Năm 2021, xã Phong Quang đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thôn Lùng Giàng B cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Chính quyền địa phương đã cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ dân. Hiện nhiều hộ đã xây dựng nhà kiên cố, canh tác ổn định tại nơi ở cũ, nên không muốn di chuyển đến nơi ở mới.

Do không có dân đến ở cho nên cơ sở hạ tầng khu tái định cư đang dần xuống cấp. Ghi nhận thực tế tại dự án, mặt bằng khu dân cư bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Hạ tầng lưới điện đã được kéo nhưng chưa đóng điện. Công trình cấp nước sinh hoạt, công trình trường học và nhiều hạng mục khác sau thời gian dài không được sử dụng, bảo dưỡng, đã xuống cấp. Một số phòng học hiện đang được Ủy ban nhân dân xã Phong Quang cho một doanh nghiệp thi công dự án cấp nước trên địa bàn ở nhờ.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã Phong Quang tiến hành rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng và tổ chức họp với các hộ dân vùng dự án để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Theo đó đã có 4 cuộc họp với nhân dân, cuộc gần nhất là vào ngày 8/1/2024. Tại cuộc họp này, tất cả các hộ dân đều nhất trí không tiếp tục thực hiện dự án di dân. Các hộ cho rằng, đã sinh sống tại nơi ở cũ từ lâu và đã ổn định cuộc sống. Hiện nay, hầu hết các hộ có nhà ở và đất canh tác được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu di chuyển xuống khu tái định cư sẽ không có đất để canh tác, không bảo đảm cuộc sống. Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên đã đề nghị tỉnh Hà Giang và các ngành chức năng cho chủ trương điều chuyển toàn bộ các hạng mục đã đầu tư của dự án về Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang để quản lý và triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư.

Như vậy, dự án di dân có số vốn đầu tư lên đến hơn 62 tỷ đồng đã không đạt được mục tiêu đề ra. Người dân trên địa bàn hy vọng chính quyền địa phương sớm có phương án quản lý, sử dụng hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi đầu tư dự án nhiều tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả.