Tiền thuê đất tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp du lịch biển Đà Nẵng kiệt sức

NDO - Vừa phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, thế nhưng nhiều doanh nghiệp thuê đất ven biển Đà Nẵng để triển khai dự án du lịch, nghĩ dưỡng đang kiệt sức và đứng trước bờ vực phá sản. Sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời của thành phố Đà Nẵng hiện nay là cần sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ những hạn mức áp dụng tỷ lệ giá thuê đất phù hợp, để doanh nghiệp có thể trụ lại và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh các dự án du lịch ven biển Đà Nẵng nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh các dự án du lịch ven biển Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

Đà Nẵng lập đoàn kiểm tra thực tế dự án du lịch ven biển

Sáng 11/10, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng, để nắm rõ hơn thực trạng hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đây là động thái kịp thời của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sau khi nhiều doanh nghiệp thuê đất triển khai các dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng đồng loạt kêu cứu vì giá tiền thuê đất tăng phi mã, nợ thuế đất, bị phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù trước đây thành phố Đà Nẵng đã có những điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp về tiền thuê đất, nhưng tiền thuê đất thương mại dịch vụ ven biển tăng vọt là từ khi Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Bảng giá đất theo Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 27/3/2021 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 7/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2020-2024.

Đây là thời điểm mà hầu hết các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải đóng cửa phòng, chống dịch và đến nay hoạt động kinh doanh mới khôi phục và đang gặp nhiều khó khăn.

Tiền thuê đất tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp du lịch biển Đà Nẵng kiệt sức ảnh 1

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng.

Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng họp và có ý kiến đề xuất tiếp tục tăng thêm hơn 10%. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho rằng, đất du lịch, nghỉ dưỡng thuộc đất ven biển với đặc thù quy hoạch các khu du lịch nghỉ dưỡng, mật độ xây dựng chỉ 18-23%, thì thành phố phải có cơ chế riêng về giá đất cho thuê.

Khó khăn chồng chất

Tại dự án Khu căn hộ khách sạn Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, ông Lê Minh Kha, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết diện tích của dự án phải trả tiền thuê đất hằng năm là khoảng 22ha.

Hiện tại giá thuê đất 1m2 mặt đường Võ Nguyên Giáp là 85 triệu đồng. Áp theo đơn giá này, hiện tại dự án phải nộp là hơn 120 tỷ đồng/1 năm, tăng hơn 30 tỷ đồng so với năm 2018 và 2019.

Giá thuê đất đầu tiên của dự án năm 2007 chỉ 2,4 tỷ đồng/năm, nhưng chu kỳ năm 2008 tăng lên 4,7 tỷ đồng/năm; đến năm 2018 là 35 tỷ đồng/năm và đến 2022 doanh nghiệp này phải trả 121 tỷ đồng/năm (gấp 50 lần so với giá thuê ban đầu).

Tiền thuê đất tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp du lịch biển Đà Nẵng kiệt sức ảnh 2

Cung Hội nghị Ariyana Đà Nẵng với mức vốn đầu tư 450 tỷ đồng hiện gặp quá nhiều khó khăn khi tiền thuê đất tăng phi mã. (Ảnh ANH ĐÀO)

Từ thực tế tại doanh nghiệp này, năm 2019, doanh thu của cung Hội nghị Ariyana Đà Nẵng là tốt nhất, khoảng 1,8 triệu USD (tương đương 40 tỷ đồng), năm 2023 khoảng 1 triệu USD. Trong khi đó, chi phí xây dựng cung hội nghị mà doanh nghiệp đầu tư là 450 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc dự án phát triển du lịch cao cấp cho thành phố, buộc phải đầu tư kinh phí cao. Và vì là dự án du lịch, nghỉ dưỡng, nên mật độ xây dựng rất thấp, cộng với việc phải hoàn thiện đầu tư cảnh quan, hạ tầng theo tiêu chuẩn 5 sao.

Theo ông Kha, hiện tại tiền thuê đất là gánh nặng cho dự án. Trong khi các hạng mục căn hộ, biệt thự, cung hội nghị là nơi tạo ra dòng tiền chính thì không đủ để trả tiền thuê đất.

Ông Kha hy vọng lãnh đạo thành phố có tầm nhìn dài hạn trong việc cho các doanh nghiệp thuê đất ven biển làm du lịch nghỉ dưỡng.

"Giống như nuôi một con gà, nếu nó đẻ trứng đều đặn thì nguồn thu mới bền vững. Còn nếu mình để nó chết đói thì lấy đâu ra trứng nữa", ông Kha nói và cho rằng, các dự án nghỉ dưỡng ven biển đang góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch cao cấp cho thành phố, trong tương lai sẽ thu hút được khách du lịch chất lượng cao.

Giá thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch ven biển Đà Nẵng phải có các đặc thù riêng, áp dụng hạn mức riêng. Tiền thuê đất trong niên hạn có thể điều chỉnh tăng 10%-25%, chứ không nên tăng 300%-400% như hiện nay. Doanh nghiệp chưa thể phục hồi, thì nay Cục Thuế thành phố phong tỏa tài khoản và hóa đơn của doanh nghiệp khi chưa thanh toán tiền thuê đất của thành phố. Đã cố gắng rất nhiều, nhưng bây giờ đến cái ngưỡng doanh nghiệp không thể chịu đựng được nữa thì rất cần thành phố Đà Nẵng cần sớm có quyết sách kịp thời

Ông Lê Minh Kha, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai

Tại dự án Melia Đà Nẵng Resort - quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Mạnh Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước - chủ đầu tư dự án cho hay, tiền thuê đất hiện tại căn cứ vào bảng giá đất năm 2019. Trong khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế suy giảm, nên không có doanh thu.

Hiện tại, Melia Đà Nẵng Resort phải nộp 28 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, phần đất được xây dựng công trình đã được đóng tiền một lần, các phần còn lại thuộc công năng cảnh quan, cây xanh…phải áp giá thuê bằng 70% giá đất thương mại dịch vụ. Ông Trung cho rằng điều này là bất hợp lý.

Tiền thuê đất tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp du lịch biển Đà Nẵng kiệt sức ảnh 3

Nhiều doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng kiệt sức vì giá thuê đất tăng phi mã.

"Thành phố Đà Nẵng tính giá đất quá cao và doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được phản hồi. Thành phố cần phải định lại giá đất phù hợp để cứu doanh nghiệp. Và đừng để cả dãy bờ biển đẹp này trở thành hoang sơ’, ông Trung nhấn mạnh và cho rằng thẩm quyền thay đổi thuộc về thành phố.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xem xét để tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố.

Ông Minh cũng cho hay, Ủy ban nhân dân thành phố đã có báo cáo với Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố để sớm có điều chỉnh các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương. Riêng các vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ sớm có kiến nghị để sớm điều chỉnh phù hợp.