Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Đừng bỏ qua những rối loạn tự miễn hậu Covid-19

NDO - Covid-19 làm gia tăng những rối loạn tự miễn của con người. Nếu không được can thiệp sớm, con người sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý tự miễn, nhiều biến chứng, chi phí điều trị tốn kém. Phát hiện, điều trị từ sớm là hướng đi có chi phí rẻ nhất mà các nhà khoa học khuyến cáo người dân sau đại dịch Covid-19. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh (Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUniversity, Việt Nam) cho biết, bệnh lý rối loạn tự miễn tạo ra nhiều gánh nặng cho cộng đồng. Việc phát hiện sớm rối loạn để điều trị sớm, sẽ tránh được những hệ lụy về sức khỏe cho cá nhân mỗi người.

Hậu Covid-19 và nguy cơ từ bệnh lý tự miễn

Phóng viên: Các nhà khoa học gần đây bàn luận đến việc bệnh lý tự miễn tăng sau đại dịch Covid-19? Covid-19 đã tác động như thế nào đến hệ miễn dịch của con người?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Các bệnh lý tự miễn không phải là bệnh lý mới. Sau Covid-19, virus SARS-CoV-2 gây ra rối loạn miễn dịch của con người. Đây là loại virus mới với miễn dịch con người, hệ miễn dịch sẽ phản ứng mạnh so với virus đã gặp trước như cúm, virus khác… gây rối loạn tự miễn. Những người có yếu tố nguy cơ hoặc nhiễm Covid-19 càng nặng kháng thể sinh càng nhiều sẽ sinh ra rối loạn càng lớn.

Ban đầu, Covid-19 có thể chỉ gây rối loạn tự miễn, nhưng sau đó khoảng 3-4 năm, nếu tình trạng này không được xử lý sớm, cơ thể hình thành kháng thể sẽ gây bệnh. Vì vậy, việc sàng lọc, chẩn đoán sớm rối loạn miễn dịch và theo dõi rất quan trọng.

Bệnh lý tự miễn rất phức tạp, biểu hiện ở nhiều cơ quan như: da, xương khớp, tim mạch… Chúng ta chưa có nhận diện tổng thể, chưa phân tầng nguy cơ chính xác cho bệnh nhân nên không tiên lượng được cụ thể bệnh.

Phóng viên: Theo ông, đâu là yếu tố nguy cơ gây ra gia tăng bệnh lý tự miễn hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Thật khó tìm ra nguyên nhân chính xác, mà có nhiều yếu tố nguy cơ như gene; môi trường....

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý tự miễn, nguy cơ của bạn sẽ cao hơn. Trẻ sinh đôi sẽ có nguy cơ mắc bệnh hơn. Tuy nhiên, khó khăn cho việc phát hiện bệnh tự miễn vì đây là bệnh lý đa gene, có thể mắc bệnh từ một gene hoặc một tổ hợp gene.

Bên cạnh đó, những yếu tố môi trường như tia cực tím, ô nhiễm môi trường làm phá vỡ, đứt gãy hàng rào miễn dịch của con người. Khi đó, con người nhiễm vi sinh vật, nhiễm trùng, nhiễm virus làm thay đổi hệ vi khuẩn chí trong đường ruột, sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển bệnh lý tự miễn. Thực tế cho thấy, tuổi càng cao thì nguy cơ rối loạn tự miễn càng lớn và chúng ta thấy bệnh hay gặp ở phái nữ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Đừng bỏ qua những rối loạn tự miễn hậu Covid-19 ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ về liệu pháp điều trị miễn dịch.

Phóng viên: Xét nghiệm gene liệu có phải là biện pháp tối ưu để phát hiện sớm một người có mắc bệnh lý tự miễn hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Xét nghiệm gene về chừng mực nào đó có thể, nhưng chúng ta phải xây dựng mô hình dự báo chuẩn xác vì như tôi phân tích ở trên, còn nhiều yếu tố khác ngoài gene gây ra bệnh lý này.

Phóng viên: Tỷ lệ bệnh tự miễn phát sinh sau đại dịch tăng lên, đòi hỏi các nhà khoa học phải có những nghiên cứu mới để tìm ra phương pháp tăng sức đề kháng của con người?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Hiện tại có một số tiếp cận của các nhà khoa học rất tốt. Mới đây, một nghiên cứu mới về hệ vi sinh đường ruột được công bố trên Tạp chí Lancet, nghiên cứu trên 25 nghìn người cho thấy, những người trên 50 tuổi bổ sung vitamin D hằng ngày 2 nghìn đơn vị và uống dầu cá 1 nghìn mg/ngày có sức đề kháng tốt.

Cụ thể là 24% người dùng liên tục vitamin D giảm nguy cơ tự miễn và nhóm uống viên dầu cá giảm được 15% nguy cơ mắc bệnh. Vai trò của vitamin D trong các bệnh tự miễn và miễn dịch cực kỳ quan trọng và hiện nay nhiều nghiên cứu chứng minh điều đó khi phát hiện bệnh nhân tự miễn có sự suy giảm vitamin D.

Vì thế, chúng tôi khuyến cáo những người có nguy cơ như gia đình có người bệnh tự miễn, xuất hiện bệnh hậu Covid-19 có chẩn đoán rối loạn miễn dịch, người lớn trên 50 tuổi nên bổ sung vitamin D thì để phòng tránh các bệnh tự miễn.

Chúng tôi mong muốn tạo ra sự công bằng và việc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc bệnh lý tự miễn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh

Phóng viên: Mới đây nhất, tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture, các nhà khoa học đã cùng bàn luận về bệnh lý tự miễn hậu Covid-19. Chúng ta học hỏi được gì từ những chuyên gia hàng đầu thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Tọa đàm nhấn mạnh bệnh lý tự miễn là gánh nặng bệnh tật, tăng sau Covid-19 và đòi hỏi ngành y tế phải có hành động giải quyết. Tại tọa đàm, các nhà khoa học Việt Nam, các bác sĩ Việt Nam có sự kết nối với các nhà khoa học trên toàn thế giới trong lĩnh vực này để mình có thể tận dụng được tri thức, nghiên cứu của họ.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại xem cần phải làm gì cho người Việt. Sau cuộc hội đàm kín với các chuyên gia, chúng tôi thấy rằng cần phải một số việc. Một là, phải xây dựng sự đồng thuận về phác đồ điều trị cho bệnh nhân người Việt. Thứ hai, chúng ta phải có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế y tế để người Việt mắc bệnh tự miễn có thể được hưởng lợi, nhất từ những cơ chế về thuốc điều trị.

Thứ ba, chúng tôi sẽ thành lập các trung tâm ghi nhận và cảnh cáo để nhìn thấy được mô hình bệnh lý tự miễn tại Việt Nam. Thứ tư, chúng tôi đẩy nhanh các nghiên cứu cùng với các chuyên gia và Vinmec và VinUni về mô hình bệnh tật này tại Việt Nam.

Đâu là hướng đi cho Việt Nam điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý tự miễn?

Phóng viên: Theo chia sẻ của ông, Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc bệnh lý tự miễn. Đây là con số không hề nhỏ, trong khi các phương pháp điều trị còn hạn chế. Ngành y tế cần làm gì?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Hiện thế giới ghi nhận hơn 100 bệnh lý tự miễn. Các bệnh hay gặp như viêm giáp tự miễn, bệnh lý về da như vẩy nến, đái tháo đường tuýp 1 ở người trẻ tuổi. Bệnh lý tự miễn có biểu hiện nặng nề hơn là bệnh lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm mạch, viêm da cơ...

Các nhà quản lý Việt Nam chắc đã nắm con số tỷ lệ người mắc bệnh tự miễn. Vậy thì, câu chuyện mà Việt Nam phải giải quyết chính là phát hiện và điều trị và đưa những đối tượng này vào quản lý, điều trị. Tôi biết, ở Việt Nam còn nhiều vấn đề khác ưu tiên. Nhưng bệnh tự miễn cũng cần phải được ngành y tế quan tâm sau đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Đừng bỏ qua những rối loạn tự miễn hậu Covid-19 ảnh 2
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh và Giáo sư Shimon Sakaguchi là nhà miễn dịch học và Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka, Nhật Bản.

Phóng viên: Người mắc bệnh lý tự miễn tại Việt Nam liệu đã tiếp cận được các phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Việt Nam đã tiếp cận các phương pháp điều trị hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, phương pháp điều trị phổ biến hiện nay chủ yếu dựa vào thuốc cổ điển như chống viêm, ức chế miễn dịch, điều hòa miễn dịch. Một số cơ sở hiện nay như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chúng tôi cũng áp dụng thuốc sinh học vào điều trị đích và cho thấy kết quả điều trị rất tốt, nhưng mặt trái là chi phí điều trị cao. Đó là điều bệnh nhân Việt Nam khó tiếp cận được.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có một phương pháp bài bản thế nào để quản lý, điều trị những người mắc rối loạn tự miễn, trước khi rối loạn này chuyển thành bệnh lý?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Chúng tôi đang xây dựng một Trung tâm điều trị bệnh lý dị ứng tự miễn và ra đời Viện nghiên cứu về miễn dịch tại Vinmec. Viện này sẽ tập trung vào hai mảng chính là dị ứng, tự miễn và miễn dịch ung thư. Viện sẽ nghiên cứu, ghi nhận cảnh báo để có cái nhìn toàn cảnh về mô hình bệnh tật bệnh tự miễn và các bệnh lý liên quan, từ đó có cơ sở đề xuất các biện pháp can thiệp.

Chúng tôi cũng mong mong muốn triển khai nghiên cứu mang tính đột phá để đưa ra được những liệu pháp điều trị mới, phân tầng nguy cơ sớm hơn và điều trị đích phù hợp hơn cho người Việt.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng lộ trình để làm sao có được thuốc mới, thuốc đích đã được Cơ quan quản lý về dược phẩm thuốc của hoa kỳ (FDI) cấp phép, để sớm đưa vào điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề không chỉ của Vinmec làm được, mà là vấn đề mang tính chất quản lý Nhà nước, của ngành y tế, đòi hỏi sự chung tay của các nhà khoa học trong toàn quốc. Chúng tôi cũng mong rằng sẽ có những hướng tiếp cận phù hợp, có những cuộc làm việc chung giữa các nhà khoa học để đưa ra những hướng dẫn riêng cho người Việt.

Chúng tôi đang xây dựng một Trung tâm điều trị bệnh lý dị ứng tự miễn và ra đời Viện nghiên cứu về miễn dịch tại Vinmec. Viện này sẽ tập trung vào hai mảng chính là dị ứng, tự miễn và miễn dịch ung thư. Viện sẽ nghiên cứu, ghi nhận cảnh báo để có cái nhìn toàn cảnh về mô hình bệnh tật bệnh tự miễn và các bệnh lý liên quan, từ đó có cơ sở đề xuất các biện pháp can thiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh

Phóng viên: Theo ông, những đối tượng nào nên đi khám sàng lọc sớm để có được những can thiệp, điều trị sớm?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Vinmec đã triển khai một gói khám sàng lọc miễn dịch sau Covid-19 và chúng tôi thấy, có rất nhiều bệnh nhân lưu hành kháng thể kháng nhân. Chi phí sàng lọc không đắt, chừng hơn 1 triệu đồng.

Nếu những ai có những triệu chứng kéo dài của Covid-19 như ho kéo dài, đau khớp, ban da, rụng tóc, viêm giáp tự miễn, mệt mỏi sau Covid-19 thì nên đi sàng lọc.

Có một số bệnh nhân có thể phục hồi các rối loạn, nhưng có những trường hợp để lâu không can thiệp sẽ gây ra bệnh toàn phát, gây ra tổn thương nội tạng. Như vậy, tầm soát sớm, điều trị sớm là cách đơn giản, ít tốn kém nhất.

Phóng viên: Thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay để tiếp cận thuốc điều trị đích là một rào cản lớn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phòng tránh bệnh lý tự miễn? Tầm soát sớm là phương án khả thi nhất phải không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh: Để điều trị hiệu quả, chúng ta có 2 giải pháp. Giải pháp tạm thời, chúng tôi nghĩ rằng các nhà khoa học các nhà lâm sàng cần phải ngồi lại với nhau đưa ra hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và và sẽ cần sự can thiệp của Bộ Y tế. Hiện nay hầu hết các thuốc điều trị đích chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Do đó, phải có chính sách các bệnh nhân nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Nếu chúng tôi ngồi lại với nhau, chúng ta sẽ xác định rõ bệnh nhân nào cần phải điều trị đích và khi nào cần điều trị đích. Chúng tôi mong muốn tạo ra sự công bằng và việc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Thứ hai, chúng ta có thể đưa nhà máy sản xuất thuốc đích về Việt Nam sử dụng hệ thống công nghệ, con người Việt Nam để giảm giá thành thuốc, giống như Ấn Độ. Lúc đấy, có thể nhiều người sẽ được tiếp cận thuốc điều trị đích?

Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh!

back to top