Chính điều này đã khiến Tạ Thành Tấn theo đuổi ngành ngữ âm học trong quá trình tu nghiệp luận án tiến sĩ tại Đại học Ottawa (Canada), với ước mơ cháy bỏng: nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các ngôn ngữ DTTS trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề tháng 8 vốn dành cho nội bộ cán bộ và sinh viên Khoa ngữ văn thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội bỗng trở nên đặc biệt, bởi sự góp mặt bất ngờ của nhiều tên tuổi trong ngành ngôn ngữ học và dân tộc học: Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Nghiệu; Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Toán; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Lanh, Tiến sĩ Tạ Long, cùng nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Đều không hẹn mà gặp, họ đến đây với chung mong muốn được lắng nghe nhà nghiên cứu trẻ Tạ Thành Tấn thuyết trình về lịch sử 4.000 năm hình thành và phát triển âm vực/thanh điệu trong các ngôn ngữ Vietic. Nhưng thứ làm họ quan tâm hơn cả là những lý thuyết, phương pháp nghiên cứu mới được nhà khoa học 9x này vận dụng trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi một số thứ tiếng DTTS đang có nguy cơ mai một và tiêu vong trên đất nước ta.
Bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Câu chuyện bảo tồn ngôn ngữ không phải vấn đề mới của ngày hôm nay khi Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo và hiện thực hóa thành nhiều chương trình trọng điểm lớn xuyên suốt nhiều năm qua. Thống kê từ các công trình ngôn ngữ học uy tín cho biết Việt Nam có khoảng 90 thứ tiếng DTTS. Trong đó, có 31 dân tộc thiểu số có hệ thống chữ viết riêng biệt (1) nhưng tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc chỉ là 15,9% (2).
Cuốn sách gối đầu giường của sinh viên ngôn ngữ học hiện nay vẫn là giáo trình Ngữ âm tiếng Việt của Giáo sư, Tiến sĩ Nhà giáo nhân dân Đoàn Thiện Thuật được tái bản liên tục kể từ năm 1977 (cuốn sách được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010).
Với những ai có đam mê ngôn ngữ học, Ngữ âm tiếng Việt là cuốn sách kinh điển tuy không thể phủ nhận rằng nhiều tri thức trong công trình này đã lạc hậu, bị vượt qua hoặc chưa phù hợp với nghiên cứu ngôn ngữ của một số DTTS. Bản thân Tạ Thành Tấn ý thức rất rõ được điều này sau khi trải qua sáu năm học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Canada.
Tấn chia sẻ, mặc dù đã bảo vệ luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học tại Việt Nam, nhưng anh vẫn phải học lại hầu hết các môn học trong chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Ottawa. Cũng như phần lớn các trung tâm hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu ngôn ngữ, Đại học Ottawa nhìn nhận ngôn ngữ học như một khoa học liên ngành, thay vì một khoa học xã hội như truyền thống.
Ở Đại học Ottawa, các giáo sư đầu ngành về ngôn ngữ yêu cầu nghiên cứu sinh phải có kiến thức chuyên sâu về sinh học, giải phẫu học, lập trình, tổng hợp và phân tích dữ liệu, thống kê...
Những kiến thức này không chỉ phục vụ cho công tác điền dã, sưu, khảo, lưu trữ ngôn ngữ mà còn đóng vai trò quan trọng với việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, sáng tạo phần mềm, điều tra tội phạm, điều trị các tật ngôn ngữ-tư vấn, đánh giá, trị liệu phục hồi chức năng ngôn ngữ-phát triển các chính sách giáo dục-văn hóa-xã hội, thậm chí là truy ngược nguồn gốc lịch sử hình thành tộc người.
Tiến sĩ Tạ Thành Tấn và Giáo sư Ngôn ngữ học Marc Brunelle tại một buổi hội thảo của Đại học Ottawa (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Biết những kiến thức mới là vô cùng quan trọng với công việc, Tấn vẫn không ít lần nản lòng khi sự lãng mạn trong nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ tộc người thuở trước được thay thế bằng các phương pháp đo đạc máy móc, chính xác nhưng khô khan. Dù vậy, những lời động viên của hai người thầy, cố Giáo sư Nguyễn Văn Lợi và Giáo sư hướng dẫn Marc Brunelle đã giúp Tấn định hình rõ nét hướng nghiên cứu của anh.
Cho đến giờ, Tấn vẫn nhớ mãi lời nhắc nhở cuối cùng mà anh được nghe từ Giáo sư Nguyễn Văn Lợi tại một hội thảo trực tuyến: “Tấn ơi! Về nhanh lên có nhiều việc để làm lắm”.
Công việc mà Giáo sư Lợi nhắc đến chính là bảo tồn và hồi phục những tiếng nói, chữ viết đang dần hư hao, mai một của các cộng đồng DTTS. Trong giai đoạn 2019-2021, Tạ Thành Tấn đã quyết định trở về Việt Nam để thực hiện những chuyến điền dã, dù anh có thể nhờ thầy cô và bạn bè gửi các dữ liệu đã được ghi hình, ghi âm trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Bởi lẽ, chất lượng lưu trữ của chúng đã phần nào bị suy giảm theo thời gian. Đồng thời, trong giai đoạn này, các nghiên cứu, ghi chép về ngữ âm DTTS chủ yếu dựa vào đôi tai của nhà nghiên cứu để xác định thanh, điệu, âm vực của tiếng nói nên có phần cảm tính, chủ quan.
Cuối cùng, máy móc và thuật toán chỉ là phương tiện hỗ trợ con người chứ không thể làm thay con người. Những thôi thúc ấy đã giúp Tấn quyết tâm trở về Việt Nam ngay trong thời điểm Việt Nam và cả thế giới đang đối mặt với dịch Covid-19 với hàng loạt khuyến cáo hạn chế mọi người di chuyển và làm việc tại khu vực công cộng.
Bất chấp những trở ngại về đi lại do tác động của dịch Covid-19, Tấn vẫn thực hiện những khảo sát sâu rộng với cộng đồng người Arem đang sinh sống ở huyện Bố Trạch và người Rục ở huyện Minh Hóa giữa thời điểm đất nước đang đối mặt với làn sóng cao điểm của dịch bệnh, Tấn loay hoay chuẩn bị những phương tiện, cũng như thủ tục giấy tờ cần thiết trong khu cách ly. Để rồi, một mình anh rong ruổi trên chiếc xe máy cũ phi thẳng từ Hà Nội vào Quảng Bình. Ngẫm lại, Tấn cũng thấy mình liều lĩnh vì xuyên suốt hành trình hầu như vắng bóng xe cộ, các hàng quán không mở cửa, liên tục phải xuất trình giấy tờ khi đi qua các chốt kiểm tra.
May mắn cho anh là cán bộ chính quyền địa phương nơi anh đến đều hết lòng giúp đỡ chàng nghiên cứu sinh trẻ. Không những vậy, cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Cà Xèng và Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch còn hỗ trợ anh nơi ăn, chốn ở và liên hệ người bản xứ để thực hiện nghiên cứu.
Từ nghiên cứu của chính bản thân, Tấn hiểu thêm lý do các nhà khoa học đi trước lại lưu ý tới cộng đồng người Arem và người Rục. Vì dù cả hai tộc người này đều được xếp vào dân tộc Chứt nhưng có tiếng nói và nhiều phong tục, tập quán khác nhau. Trong đó, cộng đồng người Arem đang có nguy cơ biến mất với dân số chỉ còn khoảng 500 người. Đáng nói hơn, theo điều tra cá nhân của Tấn, chỉ chưa đến 10 người Arem có thể nói được ngôn ngữ của mình.
Trong lần trở về này, người thầy kính yêu mà anh hết mực tôn trọng là Giáo sư Nguyễn Văn Lợi đã qua đời để lại mất mát to lớn cho ngành ngữ âm học, đồng thời buộc người học trò trẻ tuổi phải nỗ lực hơn nữa khi thiếu vắng những lời chỉ dạy.
Những nỗ lực của Tấn rút cục cũng được đền đáp lại. Hai cộng đồng người Arem và người Rục ở Bố Trạch và Minh Hóa đã xóa dần những e ngại, ngờ vực ban đầu với người thanh niên xa lạ để giúp anh xây dựng được nguồn ngữ liệu quý.
Không chỉ vậy, bằng những phân tích thông qua các phương tiện kỹ thuật, ứng dụng nghiên cứu hiện đại, Tấn bắt có thêm nhiều bằng chứng tin cậy để khẳng định mối liên hệ giữa các ngôn ngữ trong nhóm ngôn ngữ Vietic (còn gọi là ngữ chi Việt-Chứt của ngữ hệ Nam Á), khi dấu vết về mặt ngữ âm chỉ ra nhiều sự tương đồng giữa ngôn ngữ Việt cổ các với ngôn ngữ Nam Á.
Đây là những giả thuyết của các nhà khoa học uy tín như Haudricourt, David Thomas, Ferlus, Diffloth, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Văn Lợi, Trần Trí Dõi, Chamberlain, những lý thuyết vẫn cần được chứng minh bằng những chứng cứ khoa học hệ thống và chắc chắn hơn. Điều này đã khiến Tấn vững tâm trên con đường của mình.
Từ đây, Tấn đã công bố gần 20 công trình, bài viết khoa học về ngữ âm tộc người, phương ngữ tại Việt Nam được cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao. Trong đó, Luận án tiến sĩ Register and Tone Developments in Vietic Languages được hội đồng giám khảo nhận xét là công trình nghiên cứu về ngôn ngữ ở Việt Nam có chất lượng tốt nhất kể từ Luận án của Tiến sĩ John Phan Dương (hiện đang là Phó Giáo sư Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á, Đại học Columbia).
Ở Việt Nam, những người được tiếp xúc với luận án này như Giáo sư Vũ Đức Nghiệu cũng có chung nhận định này.
Luận án tiến sĩ Register and Tone Developments in Vietic Languages của Tạ Thành Tấn được bảo vệ thành công tại Đại học Ottawa, Canada, 2023 (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Với thành quả đã đạt được, Tấn có thể chọn cho mình con đường ở lại Canada cùng công việc và mức thu nhập cao. Nhưng lời hứa với những người thầy của mình cũng như khát khao để những tiếng nói DTTS tiếp tục được vang lên trên khắp các miền lãnh thổ Việt Nam đã hối thúc anh trở về quê hương.
Hy vọng rằng, những hành trình nghiên cứu, bảo tồn và hồi phục thanh, âm của Tấn sẽ có sự chung sức của các nhà nghiên cứu trẻ. Vì họ không chỉ là đại diện của ngành ngôn ngữ học tương lai mà còn là niềm hi vọng để các ngôn ngữ DTTS được “sống” trong phong tục, tập quán và văn hóa tốt đẹp của các tộc người anh em trên dải đất Việt Nam.