Nửa thế kỷ nâng niu ngôn ngữ Việt

Chỉn chu, nghiêm cẩn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là phong cách của GS, TS Vũ Đức Nghiệu (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Còn với chúng tôi - những người bạn đồng môn K17 Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây), thì anh như một người bạn khiêm nhường, một nhà ngôn ngữ học thâm hậu.

GS, TS Vũ Đức Nghiệu (trái) đang giới thiệu với các đại biểu về công trình khoa học “Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt cho học viên quốc tế”. Ảnh: ussh.vnu.edu.vn
GS, TS Vũ Đức Nghiệu (trái) đang giới thiệu với các đại biểu về công trình khoa học “Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt cho học viên quốc tế”. Ảnh: ussh.vnu.edu.vn

1/Đại dịch phức tạp, chúng tôi ít gặp nhau. Gần đây tôi gọi điện hỏi thăm GS, TS Vũ Đức Nghiệu (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học KHXH&NV Hà Nội), anh đang chủ nhiệm một Nhiệm vụ thành phần thuộc Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp Nhà nước: “Xây dựng Bộ địa chí quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Bộ Quốc chí) do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Phần do GS Vũ Đức Nghiệu làm trưởng nhóm là thiết kế xây dựng “Tập ngôn ngữ và chữ viết” trong số gần 30 tập của bộ Quốc chí. Những ngày này GS Vũ Đức Nghiệu, bên cạnh vừa phải lên lớp giảng các chuyên đề cho các đối tượng sau đại học, anh vừa tham gia viết một số chương trong quyển 1 và quyển 2 công trình “Tập ngôn ngữ và chữ viết”, đồng thời phải quán xuyến hơn 40 tác giả trong đó có khoảng 30 GS, PGS và TS (ở các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước) tiến hành phần việc của mình. Anh cho biết, bộ Quốc chí được triển khai thành 29 tập, bao gồm: Cương vực; Địa lý địa chất; Tộc người; Dân cư; Chính trị; Quốc phòng; An ninh; Kinh tế; Lịch sử; Văn hóa; Khoa học và công nghệ… Riêng Nhiệm vụ thành phần mà GS Nghiệu đảm trách được bố cục làm bốn quyển, gồm quyển 1 - “Đời sống ngôn ngữ ở Việt Nam”, quyển 2 - “Tiếng Việt, chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm”, quyển 3 và quyển 4 là về “Ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” (bao gồm 70 chương, hơn một nghìn mục từ). Trong đó, nặng nề và có phần phức tạp là quyển 3 và quyển 4. Hiện, các chuyên gia như GS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học), PGS Tạ Văn Thông, PGS Nguyễn Hữu Hoành (Viện Từ điển học và bách khoa thư), PGS Nguyễn Hồng Cổn (Trường đại học KHXH&NV Hà Nội)… mỗi người đã viết được hàng chục chương về “Đời sống ngôn ngữ ở Việt Nam” cũng như “Ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”...  

2/Cách đây gần 45 năm, sau khi tốt nghiệp lớp ngôn ngữ khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây), Vũ Đức Nghiệu được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Anh lao vào học tiếng Anh, học Hán Nôm bổ trợ thêm kiến thức. Được GS Nguyễn Tài Cẩn quý mến và khích lệ, chỉ một thời gian không lâu tích góp và xử lý tư liệu, anh đã có các bài báo khoa học “trình làng”, mà gây ấn tượng là những bài viết về ngôn ngữ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng nhờ uy tín chuyên môn, Vũ Đức Nghiệu không chỉ được một số trường đại học trong nước mời đến giảng dạy mà đầu những năm 90 của thế kỷ trước (khi Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam), anh đã có mặt tại khoa các ngôn ngữ học hiện đại, Trường đại học Cornell (Hoa Kỳ) thỉnh giảng ba năm liền và được các GS ở đây mến mộ.

Hơn 15 năm liền làm quản lý quả có choán mất khá thời gian nhưng GS Vũ Đức Nghiệu vẫn không buông lơi hoạt động nghiên cứu. Với phong cách cẩn trọng, chín chắn, đến nay anh tham gia một số đề tài cấp Đại học Quốc gia, cấp Nhà nước như “Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của kho mộc bản tại hai chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà”, “Thiết kế chương trình và mô hình bài học dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trên truyền hình”, “Nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt - từ và ngữ đoạn”… Kế thừa và phát triển hướng nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt và Việt ngữ học do các GS Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật khởi xướng, GS Nghiệu đã xuất bản hàng chục cuốn sách (cả viết riêng lẫn đồng tác giả); công bố hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và nước ngoài (trong đó có bốn công trình được đăng trên tạp chí quốc tế chuyên ngành).

3/Trong số các công trình của Vũ Đức Nghiệu đã xuất bản phải kể đến cuốn sách “Tiếng Việt lịch sử trước thế kỷ XX - những vấn đề quan yếu” (năm 2015), “Ngữ pháp lịch sử tiếng Việt - Từ và ngữ đoạn” (năm 2020) và nhất là “Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt” (năm 2011). Đây là công trình Vũ Đức Nghiệu ấp ủ trong khoảng 20 năm sau gợi mở của các bậc thầy đi trước. Cuốn sách chuyên khảo hơn 500 trang in, bằng nguồn tư liệu phong phú đa dạng về ngôn ngữ cổ, lịch sử văn hóa, văn học từ thời kỳ cổ - cận đại của dân tộc đến việc cập nhật các ngữ liệu của học giả nước ngoài được khảo chứng kỹ càng, tác giả giúp người đọc hiểu được từ vựng tiếng Việt hình thành từ đâu, các lớp từ thuộc nguồn gốc nào? Vai trò và ảnh hưởng của những từ gốc Hán và từ Hán - Việt cũng như các từ có nguồn gốc Ấn - Âu vay mượn tới quá trình phát triển của từ vựng văn học, văn hóa, khoa học ở nước ta… Thời điểm xuất bản cuốn “Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt”, giới ngôn ngữ học cho rằng, lĩnh vực Việt ngữ học đánh dấu thêm một bước tiến trên con đường khám phá lịch sử tiếng Việt. 

Chúng tôi - các đồng môn K17 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa coi Vũ Đức Nghiệu, một trong những người cùng lớp thành đạt về khoa học nhưng ít nói về mình, là  một người bạn khiêm nhường; một nhà ngôn ngữ học luôn bền bỉ, sáng tạo.